Đắk Lắk phát triển cà phê bền vững từ chuỗi liên kết

Nhờ liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhiều mô hình sản xuất cà phê ở Đắk Lắk đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Liên kết theo chuỗi giá trị còn giúp ngành hàng cà phê phát triển bền vững.

7 năm tham gia Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Tu, bà H Moan Êban, ở xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma thuột, tỉnh Đắk Lắk đã nhận được những lợi ích rõ rệt: Năng suất cà phê tăng gấp rưỡi, chi phí sản xuất giảm gần một phần ba và giá bán sản phẩm luôn cao hơn thị trường.

Bà H Moan Êban cho biết, có được điều này là nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chăm sóc vườn cây theo tiêu chuẩn Fairtrade từ hợp tác xã.

Theo H Moan Êban: "Khi chưa được tập huấn thì tôi thấy cây chín là đi hái. Giờ được tập huấn rồi tôi chế biến cà phê đặc sản yêu cầu hái quả phải chín 80% trở lên năng xuất cao hơn”.

Sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị tại xã Ea Tóh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk

Sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị tại xã Ea Tóh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk

Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Tu cho biết, mục đích của liên kết theo chuỗi là tạo vùng nguyên liệu cà phê ổn định, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm cà phê. Hợp tác xã, hiện có hơn 185 thành viên với diện tích liên kết hơn 250 ha. HTX đại diện cho hộ nông dân thực hiện liên kết với doanh nghiệp là công ty TNHH ĐắkMan Việt Nam thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Ông Trần Đình Trọng chia sẻ: "Hợp tác xã là người đứng giữa cũng là người đại diện cho người nông dân thu mua cà phê và chuyển về cho doanh nghiệp thì đây cũng là 1 sự liên kết bền vững từ trước tới giờ. Trước đây chưa tham gia vào thì phân bón bà con phải đi mua nợ và mua với lãi xuất cao, nhưng khi bà con tham gia HTX chúng tôi thì phân bón không bao giờ thiếu. Đầu vụ thì tới lấy đầu tư 100%, cần bao nhiêu là cung ứng bao nhiêu, tới vụ thu cà phê thì trả cho HTX”.

Cùng với Ea Tu, hơn 3.000 hộ nông dân tại các vùng trồng cà phê ở Đắk Lắk và các tỉnh lân cận đang liên kết cùng Công ty TNHH ĐăkMan Việt Nam thực hiện chuỗi sản xuất cà phê bền vững. Mỗi năm, doanh nghiệp này chế biến khoảng 50.000 tấn cà phê nhân xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, đạt doanh thu 1.800 tỷ đồng.

Ông Jonathan Wydham Clack, Tổng Giám đốc công ty, đánh giá, việc liên kết theo chuỗi đã đem lại lợi ích thiết thực cho các bên liên quan.

"Liên kết tạo sự thay đổi của người dân trong canh tác cà phê, ý thức trong quản lý nước tưới, không sử dựng thuốc bảo vệ thực vật, xen canh tăng thu nhập là những hành động ý nghĩa, thiết thực. Chúng tôi đánh giá cao về điều này” - ông Jonathan Wydham Clack cho biết.

Cán bộ khuyến nông gặp gỡ nông dân tại vùng nguyên liệu Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị”

Cán bộ khuyến nông gặp gỡ nông dân tại vùng nguyên liệu Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị”

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 22 HTX sản xuất cà phê có liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong đó doanh nghiệp có trách nhiệm đưa ra yêu cầu về chất lượng và số lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Hợp tác xã là cầu nối gắn kết nông dân với doanh nghiệp thực hiện theo đúng thỏa thuận đã ký kết. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững giúp người dân yên tâm gắn bó với cây cà phê.

Ông Nguyễn Hoài Dương bày tỏ: "Liên kết hợp tác người nông dân lại và hình thành được các hợp tác xã là tổ chức của người nông dân để tạo ra các vùng sản xuất đồng nhất về chất lượng, có chứng nhận để có cơ hội giảm giá thành để liên kết hợp tác với các doanh nghiệp để đưa vào chế biến hoặc đưa ra các thị trường tiêu thụ đẩm bảo các yêu cầu của thị trường, đảm bảo giá trị tăng lên, giá bán tăng lên. Và qua trọng ra đầu ra tiêu thụ ổn định bền vững thì đây là những vấn đề cơ bản của ngành hàng cà phê để hướng đến cà phê của Đắk Lắk ngày càng có sức cạnh tranh trên thị trường”.

Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất cả nước với hơn 210.000 hec ta, sản lượng bình quân mỗi năm đạt khoảng 520.000 tấn. Tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế như 4C, UTZ, Flo,… chiếm khoảng 30% diện tích. Liên kết sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng giúp ngành hàng cà phê phát triển bền vững.

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dak-lak-phat-trien-ca-phe-ben-vung-tu-chuoi-lien-ket-post1055521.vov