Đắk Lắk tăng cường phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong dịp nghỉ lễ

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 85 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, hiện đang điều trị 49 trường hợp, trong đó 3 trường hợp mức độ trung bình đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, 46 trường hợp còn lại nhẹ đang điều tại nhà.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng, chống dịch bệnh luôn được ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk quan tâm hàng đầu.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng, chống dịch bệnh luôn được ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk quan tâm hàng đầu.

Bên cạnh đó, một số bệnh truyền nhiễm khác như: sốt rét, sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, bệnh dại... đang diễn biến phức tạp đòi hỏi công tác phòng, chống dịch bệnh cần được chú trọng hơn, nhất là trong dịp nghỉ lễ 34/4 và 1/5 sắp tới.

Mặc dù công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, như không có trường hợp mắc bệnh dịch hạch, góp phần cùng cả nước trong thanh toán bệnh bại liệt, một số bệnh truyền nhiễm đã được kiểm soát. Tuy nhiên, một số bệnh truyền nhiễm tại tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp như Covid-19, sốt rét, sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, bệnh dại...

Riêng tình hình dịch Covid-19 hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt vào dịp lễ 30/4 và 1/5 có thời gian nghỉ dài 5 ngày, dân cư từ các tỉnh sẽ trở về địa phương nhiều hơn, đồng thời hiện đang là giai đoạn vào hè, sẽ là điều kiện thuận lợi cho virus tồn tại, phát triển và lây lan. Do vậy, nguy cơ các dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào tỉnh, dịch bùng phát tại cộng đồng là rất lớn, nhất là vào dịp nghỉ lễ và sau lễ 30/4 và 1/5.

Trong khi đó, tình hình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, đến nay tỉnh đã nhận 4.555.718 liều vaccine phòng Covid-19, trong đó tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 4.743.241 liều, số vaccine còn tồn chưa sử dụng là 19.010 liều.

Về tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19, nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm bao phủ mũi 1 và mũi 2 đạt tỷ lệ 100%, mũi 3 đạt 88,6% và mũi 4 đạt 78,9%. Nhóm đối tượng từ 12 đến 17 tuổi tỷ lệ tiêm vaccine bao phủ mũi 1 và mũi 2 đạt 100%, mũi 3 đạt 84,8%. Nhóm tuổi từ 5 đến 11 tuổi tỷ lệ tiêm vaccine bao phủ mũi 1 đạt 94,7%, mũi 2 đạt 68,9%...

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Nay Phi La cho biết, mặc dù tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch và tăng cường triển khai tiêm chủng toàn dân. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 các mũi nhắc lại còn thấp, trong khi đó hiện nay cả nước đã mở cửa trở lại và xem bệnh Covid-19 như một bệnh đặc hữu, sự giao lưu đi lại lớn… Đây cũng là nguy cơ dịch bệnh gia tăng và bùng phát trong dịp nghỉ lễ sắp tới là rất lớn.

“Trên địa bàn tỉnh hiện nay còn một số dịch bệnh truyền nhiễm khác diễn biến phức tạp như bệnh sốt xuất huyết bùng phát với tỷ lệ mắc cao và xuất hiện trường hợp tử vong; xuất hiện sự trở lại của bệnh bạch hầu và các bệnh dại, uốn ván sơ sinh với trường hợp tử vong... đòi hỏi nhiều nỗ lực phối hợp giữa các cấp, ngành và chính quyền địa phương trong việc quản lý, khống chế dịch bệnh”, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Nay Phi La chia sẻ.

Để tăng cường công tác phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là dịch Covid-19 trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và các quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch.

Tiếp tục tập trung tăng cường công tác phòng, chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để chủ động phát hiện sớm, ứng phó kịp thời dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền tạo đồng thuận, niềm tin xã hội trong phòng, chống dịch và khôi phục sản xuất an toàn trong điều kiện bình thường mới; nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh quan tâm, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn; tuyên truyền việc tiêm vaccine phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, xử lý các thông tin xấu, tin sai sự thật có liên quan đến hoạt động phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Chủ động bám sát tình hình diễn biến dịch để kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp cần thiết, phù hợp; không để bị động, bất ngờ, không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh

Các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường, chủ động trong triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, theo dõi, đánh giá diễn biến, dự báo sự phát triển của dịch bệnh để triển khai việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đưa ra.

Ngành giáo dục và đào tạo tăng cường công tác truyền thông phòng ngừa dịch bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của trẻ em, học sinh, cán bộ, nhà giáo trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo các thành viên trong nhà trường thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch như: vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp học, đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5.

Các cơ sở giáo dục phối hợp các cơ quan y tế tại địa phương cung cấp danh sách, số liệu học sinh để thực hiện tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho học sinh, sinh viên trong độ tuổi quy định; đồng thời phối hợp chặt chẽ trong công tác tiêm chủng, theo dõi sức khỏe của học sinh trước, trong và sau khi tiêm vaccine.

Ngành y tế tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời trước mọi diễn biến của dịch bệnh, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Củng cố và kiện toàn đội cơ động chống dịch các tuyến, sẵn sàng tổ chức điều tra, xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, phân tích, đánh giá diễn biến, tổ chức khoanh vùng xử lý kịp thời, bảo đảm không để dịch lan rộng.

Đồng thời tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng và công tác thu dung, điều trị Covid-19” cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Chủ động thực hiện đồng thời 2 chức năng vừa thu dung điều trị Covid-19, vừa thu dung điều trị các bệnh thông thường. Với số giường dự kiến 500 giường sẵn sàng đáp ứng thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 khi tình hình dịch bùng phát, số lượng bệnh nhân tăng.

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch cho người dân về ý thức tự giác trong phòng, chống dịch, đặc biệt trong dịp lễ 30/4 và 1/5. Vận động người có chức sắc, người uy tín, già làng trưởng bản để tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chỉ đạo bảo đảm tốt công tác y tế, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí, phân công trực lễ để bảo đảm chế độ thông tin báo cáo, kịp thời xử lý, giải quyết hiệu quả các tình huống phát sinh; bảo đảm hoạt động 24/24 của các đội thường trực cơ động, sẵn sàng tiếp nhận, điều tra, giám sát và xử lý dịch theo quy định.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dak-lak-tang-cuong-phong-chong-dich-benh-truyen-nhiem-trong-dip-nghi-le-post749853.html