Đắk Lắk: Tiền ngân sách giải ngân 'mắc kẹt' trong tài khoản doanh nghiệp

Hơn 600 tỉ đồng đã giải ngân cho các dự án nhưng vẫn nằm trong tài khoản của chủ đầu tư, doanh nghiệp.

Ngày 13-5, trao đổi với PLO, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn (viết tắt là BQLDA) tỉnh Đắk Lắk, cho biết ban này vừa có báo cáo về tình hình tạm ứng chưa thu hồi ở các công trình.

Dư nợ kéo dài nhiều năm

Số dư tạm ứng cho các công trình của địa phương này là 2.700 tỉ đồng (vốn trung ương hơn 803 tỉ đồng, địa phương là 1.900 tỉ đồng). Trong đó, số tạm ứng quá hạn hơn 600 tỉ đồng. Số liệu tính đến ngày 31-3 này.

Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng có số dư tạm ứng quá với số tiền rất lớn. Ảnh: VŨ LONG

Theo báo cáo của BQLDA tỉnh Đắk Lắk, có 23 dự án (do ban này làm chủ đầu tư) có số tiền tạm ứng quá hạn là 467 tỉ đồng (trong đó, giá trị đền bù hơn 253 tỉ đồng tiền giải phóng mặt bằng; 193 tỉ đồng chi phí xây dựng, thiết bị còn lại các chi phí khác).

Cụ thể, dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng khoảng 219 tỉ đồng, gói thầu đã được tạm ứng để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đã quá hạn hơn 5 năm; dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột khoảng 46,7 tỉ đồng (chi phí đền bù khoảng 22 tỉ đồng, xây lắp hơn 19,5 tỉ đồng, chi phí khác 5,3 tỉ đồng); hồ Yên Ngựa hơn 78,5 tỉ đồng…

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Buôn Ma Thuột có số dư tạm ứng quá hạn gần 39 tỉ đồng ở dự án hồ thủy lợi Ea Tam; Ba dự án thuộc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk có số dư tạm ứng quá hạn gần 63 tỉ đồng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Lắk gần 28,4 tỉ đồng…

Số tiền tạm ứng quá hạn được hiểu là, kho bạc đã giải ngân cho chủ đầu tư, doanh nghiệp tại các dự án, nhưng chưa (hoặc không) có khối lượng để hoàn ứng. Dẫn đến, dòng tiền còn “mắc kẹt” trong tài khoản của doanh nghiệp, hoặc các đơn vị liên quan.

Theo vị đại diện BQLDA tỉnh Đắk Lắk, số tiền của các dự án dù đã được giải ngân nhưng chưa sử dụng đến, kho bạc sẽ giám sát chặt chẽ. Không có chuyện sử dụng nguồn này vào việc khác.

Không lấy tiền đi làm việc khác

Đại diện một ngân hàng ở Đắk Lắk (đứng ra bảo lãnh cho một số doanh nghiệp tại các dự án), cho rằng việc kiểm soát chi các khoản đã được tạm ứng đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG

“Hàng năm đều có sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước, thanh tra, kiểm toán. Nên việc kiểm soát chi đều rất chặt chẽ và tuân thủ quy định”, vị này cho hay.

Vị đại diện một ngân hàng này cũng phủ nhận nhận thông tin, doanh nghiệp và ngân hàng “bắt tay” nhau để rút tiền tạm ứng các dự án để đi làm việc khác.

Tương tự, giám đốc một doanh nghiệp ở Đắk Lắk (nhà thầu của các dự án trên), cho rằng: “Nguyên tắc tạm ứng là đúng luật, nếu sai công an đã vào cuộc xử lý rồi. Không bao giờ có chuyện doanh nghiệp lấy tiền tạm ứng để cho ngân hàng mượn lại để lấy lãi suất”.

Liên quan đến việc quản lý dòng tiền tạm ứng quá hạn, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cũng khẳng định đều có sự giám sát chặt chẽ.

"Việc dư nợ tạm ứng quá hạn là do chủ đầu tư, doanh nghiệp được ứng tiền nhưng không có khối lượng hoàn ứng. Liên quan đến việc hoàn ứng, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo chủ đầu tư và cả kho bạc nữa. Ở đây không có gì phải giấu diếm cả” – vị lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho hay.

Theo Kho bạc Nhà nước tỉnh Đắk Lắk, Khoản 5, Điều 10, Nghị định số 99 quy định, vốn tạm ứng được thu hồi qua các lần thanh toán khối lượng hoàn thành của hợp đồng. Mức thu hồi từng lần do chủ đầu tư thống nhất với nhà thầu, được quy định cụ thể trong hợp đồng và đảm bảo thu hồi hết khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng (trừ trường hợp được người có thẩm quyền cho tạm ứng ở mức cao hơn).

Sau thời hạn một năm kể từ ngày chuyển tiền về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư tại cơ quan kiểm soát, thanh toán mà chưa thực hiện chi trả cho người thụ hưởng, chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả vốn đã tạm ứng cho ngân sách nhà nước (trừ trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

Trường hợp chủ đầu tư không làm thủ tục nộp lại ngân sách nhà nước, thì cơ quan kiểm soát, thanh toán được phép trích từ tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư để nộp ngân sách nhà nước, giảm số vốn đã tạm ứng cho dự án và thông báo cho chủ đầu tư.

VŨ LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/dak-lak-tien-ngan-sach-giai-ngan-mac-ket-trong-tai-khoan-doanh-nghiep-post732588.html