Đắk Nông: Đẩy mạnh phát triển ngành thương mại

Xác định thương mại là hoạt động quan trọng, góp phần tích cực cho việc cung ứng hàng hóa và phát triển kinh tế địa phương, những năm qua, tỉnh Đắk Nông đặc biệt chú trọng đầu tư cho hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn.

Ổn định thương mại nội tỉnh

Xác định là địa phương còn nhiều khó khăn, kể từ khi thành lập tỉnh, Đắk Lắk luôn chú trọng kêu gọi đầu tư để phát triển thương mại dịch vụ, đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân địa phương. Tính đến nay, số doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 14.000 đơn vị, tăng hơn gấp đôi so với con số năm 2004.

Tỉnh cũng đã huy động nguồn lực cho đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống chợ, đồng thời phát triển các kênh phân phối hiện đại, văn minh như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi. Hệ thống chợ từng bước phát triển phục vụ cho nhu cầu lưu thông hàng hóa, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế xã hội, nhất là các chợ tại các xã, chợ liên xã trên địa bàn các huyện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi mua bán, phục vụ sản xuất và đời sống của người dân; hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi từng bước phát triển, bước đầu đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tạo điều kiện cho nhân dân trên địa bàn có điều kiện tiếp cận mô hình thương mại hiện đại, thuận tiện trong việc lựa chọn và mua sắm các mặt hàng chất lượng cao.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 45 chợ đang hoạt động, được phân bố trên 41 xã, phường và thị trấn; 1 trung tâm thương mại Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp đã hoàn thành đi vào hoạt động giai đoạn 1; 1 siêu thị hạng III tại thị xã Gia Nghĩa; 1 trung tâm phức hợp tại huyện Cư Jút. Hiện nay, Trung tâm Thương mại Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp đang đầu tư giai đoạn 2. Đối với chợ Gia Nghĩa, hiện chủ đầu tư đã xây dựng xong khu vực chợ vòm, đang phối hợp với UBND thị xã Gia Nghĩa đưa các hộ tiểu thương chợ vòm cũ lên kinh doanh tại chợ mới, dự kiến đầu quý III/2018 sẽ đưa chợ vòm mới đi vào hoạt động. Hệ thống cửa hàng tiện lợi, đại lý bán buôn, bán lẻ được hình thành tại các trung tâm thị trấn, thị tứ đã làm tốt chức năng giao lưu, trao đổi hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.

Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được tạo điều kiện tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, kết nối giao thương. Tỉnh cũng xây dựng website, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động thương mại, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đã được quan tâm, tăng cường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỉnh chú trọng các hoạt động chống gian lận thương mại, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng… Qua đó góp phần bình ổn thị trường, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ phát triển, đáp ứng khá tốt nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.

Nhờ các giải pháp kể trên, trong giai đoạn 15 năm từ khi thành lập tỉnh (2004-2018), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh đã đạt 102.053 tỷ đồng. Trong đó riêng năm 2018 dự kiến đạt 14.641 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với năm 2004 và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 21,04%/năm.

Xuất nhập khẩu tăng trưởng khá

Song song với thương mại nội địa, hoạt động xuất nhập khẩu khẩu đã được Sở Công Thương Đắk Nông đẩy mạnh, quy mô và tốc độ đã được mở rộng và tăng trưởng khá cao. Giai đoạn 2004-2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 6.550 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 25,06%/năm, trong đó riêng năm 2018 ước đạt 1.141 triệu USD, tăng gần 23 lần so với năm 2004.

Phó Chủ tịch Trần Xuân Hải khai mạc Hội chợ Đắk Nông - Mondulkiri 2017

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu đã được tăng lên, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, tập trung cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cao su... Riêng trong năm 2017, tỉnh có thêm sản phẩm chủ lực mới xuất khẩu là aluminn, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho địa phương. Ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đang chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới. Đến nay, quan hệ thị trường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao và ổn định là Singapore, Hàn Quốc, Ausstralia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philipines, Nhật Bản. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới như xhâu Phi, Trung Đông…

Cùng với quy mô, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng tăng. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 18 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giữ vai trò quyết định đến sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (Công ty Olam), chiếm hơn 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 18%, còn lại là doanh nghiệp tư nhân.

Song song với xuất nhập, hoạt động nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đã phục vụ tốt cho nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị phụ tùng, linh kiện, nguyên vật liệu phục vụ đầu tư và sản xuất. Qua đó, cũng góp phần nâng cao năng lực sản xuất của ngành, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2004-2018 dự kiến thực hiện 1.038 triệu USD, bình quân tăng 29,45%/năm.

Mặc dù thị trường hàng hóa ổn định, doanh thu thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, song Sở Công Thương Đắk Nông cũng khẳng định, các đơn vị kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ lẻ; hàng hóa lưu thông chủ yếu qua chợ truyền thống và các tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ. Siêu thị, trung tâm thương mại chậm phát triển, chưa tổ chức tốt kênh lưu thông phân phối, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại địa phương; doanh nghiệp của tỉnh tham gia hoạt động xuất nhập khẩu còn ít, năng lực hạn chế. Chưa kể, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là thô, sơ chế (cà phê, cao su, hạt tiêu, alumin...), chịu ảnh hưởng rất lớn vào biến động giá cả và nhu cầu thị trường, nên hiệu quả thấp và thiếu tính ổn định; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường song vẫn còn nhiều hạn chế...

Khắc phục khó khăn, thời gian tới, tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục phát triển thương mại theo hướng đa dạng hóa, thúc đẩy cho các ngành kinh tế phát triển; phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ; khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn các huyện, thị xã nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu nông sản của tỉnh, phát triển xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Khai thác thị trường xuất khẩu theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường thế giới.

CTĐT

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/dak-nong-day-manh-phat-trien-nganh-thuong-mai-109204.html