Đắk Nông: Hàng chục hecta rừng thuộc quản lý của Cty CP Địa ốc Khang Nam bị phá

Bắt đầu từ cuối năm 2017 đến nay đã có hơn 28 hecta rừng tự nhiên tại tiểu khu 1529, thuộc lâm phần quản lý của Công ty cổ phần Địa ốc Khang Nam (Công ty) đã bị tàn phá và lấn chiếm đất để trồng cây nông nghiệp. Diện tích bị tàn phá thuộc địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông).

Hàng nghìn cây rừng tự nhiên các loại bị cưa hạ

Hiện trường vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng nằm cách trung tâm xã Quảng Trực hơn 10km, đường xá đi lại hết sức hiểm trở. Sau hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy, phóng viên (PV) Báo điện tử TN&MT có mặt tại tiểu khu 1529 để ghi nhận tình hình thực tế.

Một trong những điều làm PV không khỏi bàng hoàng là cảnh tượng có hàng nghìn cây rừng tự nhiên với đủ kích cỡ lớn nhỏ bị các đối tượng cựa hạ, nằm ngổn ngang trên một diện tích hàng chục hecta. Đa phần các loại cây có đường kính lớn chỉ còn lại gốc và những tấm ván bìa không sử dụng được mới còn. Riêng phần thân cây đã được xẻ hộp và mang đi nơi khác.

Sau một hồi lấy lại tinh thần, PV di chuyển theo con đường mòn (có thể đây là lối đi quen thuộc của các đối tượng vào phá rừng), hai bên đường mòn có hàng trăm cây có đường kính từ 20 -60cm bị cưa hạ và đốt cháy Nằm cách đường mòn không xa, còn có nhiều tấm ván có mặt rộng khoảng 50cm và dày chừng 3cm đã được cưa xe và sắp xếp rất gòn gàng ngay tại hiện trường.

Thay cây rừng bằng cây mì và một số cây ngắn ngày khác

Theo quan sát, nằm xen với những phần cây rừng còn sót lại là hàng trăm nghìn cây mì và một số cây ngắn ngày khác như bầu, bí được trồng dày đặc trên diện tích đất vừa mới phá rừng xong.

Trao đổi với PV tại hiện trường vụ phá rừng, anh Bùi Văn Lào, nhân viên quản lý bảo vệ rừng của Công ty cho biết, diện tích rừng bị tàn phá đã lên tới gần 28ha, nằm tại khoảnh 6, tiểu khu 1529. Tiểu khu này trước đây vốn là rừng tự nhiên và thuộc diện Công ty phải khoanh nuôi, bảo vệ. Cách đây khoảng 3 năm, Công ty đã đặt một chốt bảo vệ rừng tại đây và hàng ngày có 3 nhân viên quản lý bảo vệ rừng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. Thế nhưng, bắt đầu từ tháng 3/2018 đến nay, nhiều người dân sinh sống trên địa bàn xã Đắk Ngo (Tuy Đức) đã vào chặt phá rừng để lấn chiếm đất làm nơi sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, hầu hết diện tích rừng bị chặt phá đều đã được người dân trồng mì.

Hiện trường vụ phá rừng nằm sát với chốt bảo vệ rừng của Công ty

Một trong những điều làm PV hết sức khó hiểu là hiện trường vụ phá rừng với diện tích lên tới 28 hecta chỉ cách chốt quản lý bảo vệ rừng của Công ty chưa đầy 15m. Trong khi, phía bảo vệ Công ty khẳng định là chốt bảo vệ rừng này của Công ty luôn có người túc trực 24/24. Cách chốt này khoảng chưa đầy 1km còn có một nhà điều hành của Công ty được xây dựng khá khang trang.

Trao đổi với PV về vấn đề này, anh Bùi Văn Lào lý giải: Do lực lượng bảo vệ rừng tại chốt chỉ có 3 người. Trong khi số lượng người tham gia phá rừng luôn rất nhiều. Do đó, lực lượng bảo vệ rừng đã không thể ngăn chặn, xử lý được. "Mỗi lần người ta đến phá rừng thì chúng tôi chỉ biết báo cáo cho Công ty và cơ quan chức năng chứ khôn thể làm gì được. Họ thường đi rất đông người, có mang theo hung khí và đe dọa chúng tôi, nên không ai dám ngăn cản họ cả". Anh Lào giải thích thêm “những người vào phá rừng đều thuộc diện dân di cư tự do đến từ các tỉnh phía Bắc đang sinh sống tại bản Đoàn Kết, xã Đắk Ngo”.

Điều đáng chú ý, khi PV hỏi về số vụ phá rừng được phát hiện có làm báo cáo hay biên bản gì liên quan không? thì anh Lào đều trả lời là không có. PV tiếp tục hỏi việc phá rừng diễn ra phức tạp với diện tích nhiều như thế phía lãnh đạo của Công ty có chỉ đạo hay hướng dẫn gì không?. Trả lời về nội dung này, anh Lào cho biết: “lãnh đạo Công ty hầu như chỉ ở dưới thành phố Hồ Chí Minh chứ không hề lên chỉ đạo, điều hành việc quản lý, bảo rừng. Chính vì vậy, lãnh đạo Công ty cũng không nắm được thực trạng rừng hiện nay là như thế nào”.

Liên quan đến việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra phức tạp, một lãnh đạo UBND xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức chia sẻ, trên địa bàn xã có Bản Đoàn Kết, trong đó, có 21 hộ người đồng bào H’Mông di cư từ phía Bắc vào từ nhiều năm trước và đến nay vẫn chưa được cấp đất sản xuất nên có nhiều hộ lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp. Điều đáng nói, đa phần diện tích bị phá nằm ở địa giới hành chính xã Quảng Trực nên việc quản lý, vận động người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Bài & ảnh: Phạm Hoài

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/phap-luat/dak-nong-hang-chuc-hecta-rung-thuoc-quan-ly-cua-cty-cp-dia-oc-khang-nam-bi-pha-1253748.html