Đắk Nông: Ổn định vùng nguyên liệu cho sản xuất

Phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu đã góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp tại Đắk Nông ngày càng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ nông sản cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nông dân trong tỉnh. Sở Công Thương Đắk Nông đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm góp phần ổn định vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn.

Khởi công nhà máy MDF

Nguồn nguyên liệu cho sản xuất chưa ổn định

Theo phản ánh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế biến tỉnh Đắk Nông vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Một trong những nguyên nhân là việc cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến thường không ổn định, việc thay đổi cơ cấu cây trồng thường do dân tự quyết định theo biến động của thị trường nông sản, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến nông lâm sản của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít, sản phẩm nghèo nàn, chất lượng sản phẩm chưa cao, công nghệ chế biến còn lạc hậu, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, sức cạnh tranh yếu kém. Phần lớn các dự án đầu tư tập trung vào chế biến nông sản thô, giá trị gia tăng thấp nên khó xây dựng được thương hiệu và sức cạnh tranh cho sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng nghiêm ngặt của thị trường trong và ngoài nước.

Đơn cử, với mặt hàng cà phê, hầu hết nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu chế biến được mua từ các doanh nghiệp bán cà phê nhân xô trong tỉnh. Có doanh nghiệp trồng cà phê nhưng sản lượng thu được lại không phục cho chế biến mà bán cho các doanh nghiệp thu mua khác trên địa bàn. Với các doanh nghiệp có nguồn gốc từ các lâm trường hay các công ty nhà nước như Công ty Cà phê Đức Lập, Thuận An và Công ty Cà phê Đắk Nông, do có diện tích sản xuất cà phê lớn nên nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến chủ yếu do họ tự sản xuất. Còn hầu hết các doanh nghiệp còn lại, để có nguyên liệu phục vụ chế biến phải chủ yếu mua từ bên ngoài thông qua các cơ sở trung gian hay người dân.

Thực trạng từ cây cà phê cũng là thực trạng chung mà doanh nghiệp nhiều ngành nghề khác gặp phải. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc sản xuất của doanh nghiệp không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Theo phản ánh của Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Bison, do việc tạo quỹ đất hạn hẹp nên việc mở rộng vùng nguyên liệu còn nhiều khó khăn, trong thời gian tới nguyên liệu sản xuất sẽ thiếu hụt trầm trọng để đảm bảo vận hành sản xuất cho 2 nhà máy. Hiện nay, công ty mới được thuê 2.023ha, trong đó có 500ha quy hoạch trồng rừng nguyên liệu, chiếm tỷ lệ 10% trong tổng số 5.000ha dự kiến quy hoạch ban đầu cho 2 nhà máy.

Hướng tới ổn định, bền vững

Sản phẩm gỗ ván ép

Để công nghiệp chế biến phát triển ổn định và vững chắc, nguồn nguyên liệu là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Do đó, thời gian qua, Sở Công Thương đã khuyến khích các doanh nghiệp chủ động liên kết với nông dân để có được nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cho hoạt động của mình.

Sở Công Thương Đắk Nông cũng cho rằng, thời gian tới các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển một cách tổng quát hơn, chu kỳ dài hơn, dựa trên những tiềm năng lợi thế sẵn có; áp dụng các mô hình, kỹ thuật, giống mới năng suất và chất lượng của các nước. Trước mắt cần xác định công nghiệp chế biến là một trong những nội dung trọng tâm trong chương trình phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Nông. Trên cơ sở đó, xác định cơ cấu phát triển công nghiệp chế biến gắn với việc quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung, cần quan tâm đầu tư mạnh hơn nữa cho lĩnh vực khuyến nông bởi hầu hết các loại cây công nghiệp do nông dân trồng là giống cũ, một phần đã thoái hóa, nên năng suất chất lượng thấp; có chính sách khuyến khích thích hợp cho các loại nông sản chủ yếu phục vụ cho công nghiệp chế biến.

Đối với các doanh nghiệp, cần tập trung thực hiện các phương án đầu tư cho vùng nguyên liệu thông qua mối liên kết 4 nhà, trong đó Nhà nước phải chủ động đề xuất các giải pháp liên kết, doanh nghiệp và nông dân hưởng ứng và cam kết để chủ động được nguồn nguyên liệu, rà soát lại quỹ đất để giao cho các nhà máy chế biến hiện có trên địa bàn tỉnh thuê chủ động phát triển vùng nguyên liệu, hạn chế giao cho doanh nghiệp xin đầu tư mới khi không cần thiết, các doanh nghiệp được giao thuê đất phải cam kết quản lý và sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả và theo tiến độ được giao; các nhà máy chủ động từng bước đầu tư thay thế dần các thiết bị công nghệ đã lạc hậu, không ngừng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và hạ giá thành sản phẩm…

Sở Công Thương cũng đề xuất UBND tỉnh có chính sách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất ở các vùng nguyên liệu, tổ chức các lớp tập huấn đào tạo tay nghề cho cán bộ địa phương và cấp cơ sở, lực lượng kỹ thuật viên trên một số lĩnh vực liên quan đến phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước vào tình hình thực tế địa phương để có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đầu tư hợp lý như: Đầu tư cơ sở hạ tầng tại vùng sản xuất nguyên liệu; miễn giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hộ gia đình, trang trại sản xuất hàng hóa lớn trong những năm đầu kinh doanh...

Khẳng định doanh nghiệp là động lực cho phát triển kinh tế địa phương, Sở Công Thương Đắk Nông cam kết đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên tinh thần tích cực. Từ đó giúp cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định và vững chắc hơn.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dak-nong-on-dinh-vung-nguyen-lieu-cho-san-xuat-110985.html