Đắk Nông phát huy dân chủ trong Đảng, nâng cao đồng thuận Nhân dân

Việc thực hành dân chủ trong các tổ chức cơ sở (TCCS) đảng ở Đắk Nông đã và đang từng bước chuyển biến tích cực, nâng cao trong Đảng, trong Nhân dân.

Dân chủ trong xây dựng báo cáo chính trị

Một trong những việc làm thể hiện rõ tính dân chủ qua 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông đó là công tác xây dựng chủ trương, đường lối và quy trình ra nghị quyết chuyển biến theo hướng ngày càng mở rộng thảo luận trong Đảng và tham gia ý kiến của các tầng lớp Nhân dân.

Chương trình Gặp mặt, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã là một trong những diễn đàn lắng nghe ý kiến từ cơ sở.

Kể từ Đại hội X của Đảng bộ tỉnh đến nay, việc lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân vào dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng. Các dự thảo báo cáo được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, mọi người dân đều có thể tham gia góp ý để nghị quyết khi ban hành phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm tính khả thi cao. Các cơ quan, đơn vị, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đều tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý và tổng hợp ý kiến của đoàn viên, hội viên, Nhân dân vào dự thảo các văn kiện.

Văn kiện được coi là “hồn cốt” của đại hội đảng. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Đảng dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Dân dựa vào Đảng, lấy nghị quyết của Đảng để xác định mục tiêu, phương hướng.

Vì vậy, việc lấy ý kiến Nhân dân đóng góp xây dựng văn kiện đại hội là việc làm hệ trọng, nhằm tập hợp, phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của Nhân dân trong hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của các cấp ủy. Đây còn là trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết của Nhân dân gửi gắm tới Đảng.

Tăng cường đối thoại cấp ủy

Công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy các cấp với Nhân dân được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Hầu hết, người đứng đầu cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đều có lịch và thực hiện tiếp công dân định kỳ, đột xuất.

Tại Đắk Nông, Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Nhiều bí thư huyện ủy, đảng ủy xã là chủ tịch HĐND cùng cấp. Nên tiếp công dân là một trong những diễn đàn để người đứng đầu trực tiếp nghe được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân qua các đợt tiếp xúc cử tri.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã nêu lên các kiến nghị, tâm tư của cơ sở với Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong Chương trình Gặp gỡ, đối thoại.

Đặc biệt, năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã tổ chức Chương trình Gặp gỡ, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn. Tại sự kiện này, Ban Tổ chức đã nhận được 77 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của các xã, phường, thị trấn với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

10 đại biểu ý kiến trực tiếp tập trung vào 3 vấn đề chính gồm xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.

Phát biểu tại Chương trình, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh khẳng định: “Cấp ủy cơ sở là hạt nhân lãnh đạo chính trị có vai trò quan trọng, quyết định tổ chức thành công mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã có vai trò đặc biệt quan trọng, là những “thủ lĩnh đứng mũi chịu sào” trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành mọi hoạt động kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở. Đội ngũ này còn là cầu nối gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhân dân”.

Chương trình là một trong những diễn đàn lắng nghe ý kiến, tiếng nói từ cơ sở lớn nhất, quy tụ nhiều cán bộ chủ chốt các cấp. Qua đó, góp phần tạo tính thống nhất, thông suốt trong triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

Chú trọng công tác cán bộ

Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ đóng vai trò quan trọng nhằm phát huy dân chủ trong Đảng. 20 năm qua, Đắk Nông ban hành nhiều văn bản, đề án liên quan đến công tác cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, dân tộc thiểu số, nữ.

Tỉnh tạo điều kiện để cán bộ rèn luyện, trưởng thành, phát triển. Việc đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên bảo đảm thực chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được tăng cường. Đắk Nông luôn nhất quán quan điểm, tổ chức đảng và đảng viên vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh, kịp thời, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Để phát huy dân chủ, trong các cuộc họp của Đảng, người đứng đầu cần gợi mở vấn đề, động viên khích lệ cấp dưới góp ý cho cấp trên với tinh thần cầu thị, lắng nghe.

Từ năm 2004 đến nay, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 38.158 đảng viên, 3.574 tổ chức đảng; giám sát 6.310 đảng viên, 1.475 tổ chức đảng. Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 2.055 đảng viên, 122 tổ chức đảng; xem xét, quyết định thi hành kỷ luật 1.475 đảng viên, 23 tổ chức đảng; giám sát 985 tổ chức đảng, 722 đảng viên; tiếp nhận, giải quyết tố cáo 438 đảng viên và 7 tổ chức đảng.

Thời gian tới, cấp ủy các cấp xác định việc phát huy dân chủ để xây dựng tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo đồng thuận cao trong xã hội là nhiệm vụ quan trọng.

Để làm được điều này, theo đồng chí Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đắk Glong, việc cần làm trước hết là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về thực hành dân chủ trong Đảng. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân.

Công tác tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Nội dung tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Trong tổ chức thực hiện, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải thực sự gương mẫu trong việc chấp hành các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”

Đồng chí Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đắk Glong

Đồng chí Điểu Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Tuy Đức cho biết, để phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải thực sự nêu gương, là sợi dây đoàn kết, dẫn dắt, tạo điều kiện để đảng viên mạnh dạn nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. “Người đứng đầu cần gợi mở, đặt vấn đề, trao cơ hội để cấp dưới, cán bộ, đảng viên tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến trong xây dựng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Khuyến khích cấp dưới góp ý cho cấp trên với tinh thần cởi mở, cầu thị, lắng nghe”, đồng chí Điểu Hùng cho hay.

Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, có cơ chế phát huy vai trò của Nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đồng thời, Mặt trận tiếp tục làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội đối với cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, đảng viên.

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần nhận thức đầy đủ các quan điểm, đường lối của Đảng về công tác cán bộ, thực hành dân chủ trong Đảng. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy quyền, trách nhiệm của họ.

Cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn đã được quy hoạch đều có cơ hội như nhau để có thể phát huy tốt phẩm chất, năng lực của mình trong tuyển dụng, tuyển chọn vào các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Theo đồng chí Phạm Văn Đức, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trong các cuộc sinh hoạt chi bộ, người chủ trì cần động viên cấp dưới, đảng viên mạnh dạn góp ý cho cấp trên với tinh thần lắng nghe, xây dựng. Người đứng đầu nghe và tiếp thu chứ không phải để trù dập cấp dưới, đảng viên của mình. “Khi dân chủ được phát huy, mở rộng, nội bộ đoàn kết thì chắc chắn tổ chức đảng sẽ trong sạch vững mạnh, cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người dân luôn đồng thuận, chung sức vì nhiệm vụ chung”, đồng chí Đức cho biết.

Hoàng Trọng

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-phat-huy-dan-chu-trong-dang-nang-cao-dong-thuan-nhan-dan-192932.html