Đắk Nông phát triển bền vững cây bơ

Tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 2.600 ha bơ, sản lượng năm 2018 ước đạt hơn 11.000 tấn quả. Tuy nhiên, để phát triển cây bơ bền vững trên địa bàn cần rất nhiều giải pháp.

Bơ Đắk Nông cần sự liên kết doanh nghiệp với nông dân để tạo được thương hiệu mạnh trên thị trường - Ảnh: G.B

Theo số liệu tại hội thảo phát triển cây bơ bền vững trên địa bàn Đắk Nông, diễn ra ngày 20.7 tại TX.Gia Nghĩa, các giống bơ đang trồng chủ yếu là: bơ 34, bơ 36, bơ booth, bơ hass reed, bơ sáp da xanh, bơ sáp vàng, bơ Cu Ba, Trịnh Mười…

Hiện đã có 4 đơn vị được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đang còn hiệu lực với tổng diện tích 32,7 ha; ngoài ra còn hơn 20 tổ chức, cá nhân khác đang chờ được cấp chứng nhận này. Tuy nhiên, cây bơ được trồng ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán, người dân tự ý mở rộng diện tích khá nhanh nên tiềm ẩn nguy cơ cung vượt cầu.

Điều đáng quan tâm khác là cây bơ chưa trồng thành vùng chuyên canh theo từng loại giống để tạo sản phẩm đồng nhất; trái bơ đưa vào chế biến rất ít, chủ yếu được tiêu thụ dạng quả tươi tại thị trường nội địa (80%) và được phân phối qua các chợ truyền thống, còn các kênh phân phối hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng trái cây cao cấp rất ít. Cây bơ và sản phẩm bơ của tỉnh chưa tạo dựng được thương hiệu mạnh trên thị trường, đầu ra sản phẩm chưa ổn định.

Để cây bơ phát triển bền vững, theo PGS-TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam và ông Mai Văn Trị, Viện cây ăn quả miền Nam, cần tăng cường liên kết dọc giữa người trồng với nhau, thành lập các nhóm, hợp tác xã sản xuất, hiệp hội trồng bơ địa phương. Tăng cường liên kết giữa người trồng với doanh nghiệp hoạt động trong ngành bơ, khuyến khích hình thức sản xuất qua hợp đồng, sản xuất theo chuỗi, hỗ trợ cho việc hình thành các hiệp hội... - Ảnh: Gia Bình

Để cây bơ phát triển bền vững, ông Trần Xuân Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, nhấn mạnh ngoài thực hiện giải pháp về quy hoạch thì phải đảm bảo quy trình “3 đồng, 2 vừa” trong sản xuất: đồng về giống, đồng về công nghệ, đồng về kỹ thuật canh tác tốt, sản phẩm an toàn và vừa tập trung, vừa phân tán. “Để thành công, doanh nghiệp phải bắt tay với nông dân theo phương châm này và nếu thực hiện tốt, dần dần sẽ biến nông dân thành những người công nhân nông nghiệp trên chính đồng, ruộng của mình”, ông Hải nói.

Trong khi đó, TS Trương Hồng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên, đề xuất: “Cần tổ chức sản xuất ngành hàng bơ theo vùng sinh thái với nhiều hình thức như tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP hoặc các chứng nhận bền vững khác và kết nối với thị trường thông qua các doanh nghiệp tiêu thụ trong và ngoài nước. Kết nối thị trường là vấn đề có tính quyết định đối với sản xuất bền vững của ngành hàng bơ Đắk Nông, điều này nông dân và các tổ chức sản xuất không thể làm được, nên tỉnh cần có cơ chế, chính sách tập trung nguồn lực để thực hiện một cách liên tục và thường xuyên”.

Cần liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, cây bơ Đắk Nông mới phát triển bền vững - Ảnh: Gia Bình

Tối 19.7, tại TX.Gia Nghĩa, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Lễ khai mạc chương trình Đắk Nông mùa bơ chín năm 2018. Sự kiện diễn ra từ ngày 18 đến 23.7 gồm 5 sự kiện chính: Khai mạc, bế mạc; hội thảo phát triển bơ bền vững; hội chợ thương mại kết nối cung cầu bơ và các sản phẩm nông nghiệp; hội thi trái bơ ngon và tham quan, trải nghiệm các mô hình nông nghiệp.

Gia Bình

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/dak-nong-phat-trien-ben-vung-cay-bo-985288.html