Đắk Nông phát triển chanh dây theo chuỗi giá trị

Mặc dù giá cả luôn biến động, nhưng nếu trồng chanh dây với quy mô vừa phải, nguồn giống bảo đảm và theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, vẫn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Hiện nay, chanh dây đã được Bộ NN-PTNT công nhận là cây trồng mới và Đắk Nông được đánh giá là địa phương có nhiều vùng đất phù hợp, cần có hướng quy hoạch, phát triển bền vững.

Chanh dây Đắk Nông sẽ phát triển theo hướng an toàn sinh học và theo chuỗi giá trị

Tỉnh Đắk Nông đang thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm chanh dây trên địa bàn tỉnh. Đề án được đánh giá sẽ mang lại nhiều triển vọng cho người trồng chanh dây trong sản xuất bền vững.

Đề án được triển khai từ năm 2016 - 2020 với mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2016 - 2017, 95% sơ sở sản xuất chanh dây nằm trong chuỗi kiểm soát được kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Những cơ sở nhỏ lẻ đều kí cam kết sản xuất chanh dây an toàn, trong đó có từ 5 - 10% cơ sở được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn của thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).

Đến năm 2020, 100% cơ sở trồng chanh dây trên địa bàn tỉnh được kiểm tra, hướng dẫn sản xuất chanh dây an toàn, trong đó có 30% diện tích trở lên áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, 100% cơ sở múc dịch quả chanh dây được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó 50% cơ sở áp dụng quản lý chất lượng tiên tiến như nguyên tắc thực hành sản xuất tốt (GMP), phân tích rủi ro và các điểm kiểm soát tới hạn (HACCP)...

Tại một số địa phương trọng điểm trồng chanh dây là thị xã Gia Nghĩa, Đắk Glong, Đắk R’lấp, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh đã thực hiện khảo sát và lựa chọn được 90 hộ trồng chanh dây với diện tích tham gia vào đề án từ 0,5 - 1 ha/hộ. Đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho tất cả các hộ được chọn về quy trình sản xuất chanh dây an toàn. Các hộ tham gia được phát nhật ký theo dõi sản xuất và kí cam kết sản xuất an toàn.

Cùng với đó, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đắk R’moan đã được chọn hỗ trợ, hướng dẫn sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt trên diện tích 3ha. Hiện nay, quy trình sản xuất của HTX đã được Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 3 đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).

Ông Nguyễn Văn Hoán, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đắk R’moan cho biết: Với việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ưu việt nhất chính là bảo đảm an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu từ giống, chăm sóc, bón phân, tưới nước. Tất cả đều được hợp tác xã ghi chép rõ ràng nên dễ dàng kiểm soát được nguồn gốc nguyên liệu đầu vào. 39/39 tiêu chí quan trọng của quy trình sản xuất đều được lao động của HTX thực hiện đạt hiệu quả cao nên chất lượng sản phẩm quả chanh dây của chúng tôi đạt cao. Việc được chứng nhận VietGAP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho HTX mở rộng tiêu thụ sản phẩm với giá cả cạnh tranh.

Ảnh: Thanh Sa

Cùng với các hộ sản xuất, Đề án cũng đã bước đầu tạo được hiệu quả khi đưa 6 cơ sở sơ chế, chế biến chanh dây vào quá trình kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm. Theo đó, cùng với tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức cho chủ cơ sở, người lao động thì việc cấp phát tài liệu, hướng dẫn ghi chép các thông số, đầu tư thêm các trang thiết bị sản xuất cũng đã được doanh nghiệp, hộ kinh doanh chú trọng. 6/6 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.

Trong đó, cơ sở múc dịch chanh dây Phạm Thị Kim Hường (Đắk R’lấp) đã được Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 3 chứng nhận phù hợp với quy chuẩn QCVN 01-09:2009/BNNPTNT (quy định điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở chế biến rau quả).

Bà Phạm Hương Quê, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Tia Sáng, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, là một trong những người đầu tiên đưa chanh dây về trồng tại tỉnh và gắn bó với loại cây này từ năm 2007 đến nay. HTX của bà đang là nơi tiên phong cung ứng giống, trồng chanh dây theo quy trình hữu cơ, sinh học và sơ chế, đóng gói sản phẩm xuất khẩu.

Bà Quê phân tích: Nông dân muốn phát triển kinh tế bằng cây chanh dây thì phải sản xuất theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt như VietGAP và GlobalGAP. Hiện nay, HTX được Liên minh HTX Việt Nam chọn sản xuất chanh dây hữu cơ theo chuỗi giá trị và đã trình UBND tỉnh phê duyệt. Khủng hoảng thừa chanh dây trong thời gian tới nhìn thấy rồi, nhưng sản phẩm chanh dây hữu cơ thì rất thiếu nên HTX sẽ đi theo hướng này. Đầu năm 2017, HTX sẽ liên kết với các thành viên trồng 30ha chanh dây tại địa bàn huyện Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa.

Bên cạnh đó, HTX sẽ bao tiêu, thu mua để sơ chế bán cho các Cty ở Long An, Tiền Giang về chế biến sâu hơn là tách hạt và cô đặc xuất khẩu sang châu Âu. Quả tươi, thị trường trong nước chủ yếu dùng chế biến nước giải khát, còn lại chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi thị trường châu Âu lại rất chuộng sản phẩm đã qua sơ chế, cô đặc. Vì vậy, tương lai, muốn cây chanh dây có giá ổn định thì phải sản xuất hữu cơ và xuất khẩu sang châu Âu, lợi nhuận sẽ tăng gấp 2 - 3 lần.

Ông Phạm Quang Vượng, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Đắk R’lấp cho biết: Toàn huyện có khoảng 229ha chanh dây với sản lượng quả năm nay đạt hơn 3.000 tấn.

Theo ông Vượng, vấn đề ATTP từ sản xuất đến chế biến trong chanh dây cũng là một hướng đi mà huyện đang chú trọng, theo đó chúng tôi hướng dẫn nhân dân không tăng nhiều về diện tích mà đẩy mạnh thâm canh, áp dụng quy trình chăm sóc hợp lý để làm ra sản phẩm có chất lượng cao hơn. Qua các buổi tập huấn thì vấn đề bảo đảm ATTP được cán bộ nông nghiệp đề cập đến nhiều hơn, sâu hơn. Hy vọng, Đề án sẽ thu hút được sự vào cuộc của đông đảo người sản xuất, chủ cơ sở chế biến, sơ chế.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dak-nong-phat-trien-chanh-day-theo-chuoi-gia-tri-post185548.html