Đắk Nông: Tăng tỷ lệ hàng Việt Nam trong kênh phân phối

Tỷ lệ hàng Việt Nam trong các kênh phân phối trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt trên 80% ở các siêu thị và trên 60% ở chợ truyền thống.

Xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa rộng khắp

Theo Sở Công Thương Đắk Nông, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 01/2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.941,2 tỷ đồng, tăng 8,61% so với tháng 12/2022 và tăng 22,67% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm người dân; lượng hàng hóa phục vụ các ngày Lễ, Tết phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và đảm bảo chất lượng; các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch đã trở lại hoạt động bình thường. Đặc biệt, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ cao ở các kênh phân phối.

Thời gian qua, Sở Công Thương Đắk Nông đã đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống phân phối để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Chủ đầu tư (Công ty Cổ phẩn Xuất nhập khẩu Rau quả) đã triển khai xây dựng 01 Dự án Trung tâm thương mại Đắk Mil tại huyện Đắk Mil với tổng vốn đầu tư 645 tỷ đồng, diện tích 7.526,5 m2; Dự án chợ Gia Nghĩa đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng khu kinh doanh ngành hàng tươi sống thuộc (giai đoạn 1) và được UBND tỉnh đồng ý cho Công ty cổ phần xây dựng GIQ đưa vào hoạt động; đang hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư Dự án chợ phường Nghĩa Trung.

Hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ cao ở kênh phân phối của tỉnh

Hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ cao ở kênh phân phối của tỉnh

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 46 chợ được phân bố trên 42 xã, phường và thị trấn; 01 Trung tâm thương mại Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp hoàn thiện giai đoạn 1, đang thực hiện giai đoạn 2; 01 Siêu thị hạng II tại thành phố Gia Nghĩa; 01 trung tâm phức hợp, huyện Cư Jút; trên 10.000 cơ sở kinh doanh thương mại (tạp hóa, cửa hàng tiện lợi...). Đây là hệ thống phân phối hàng Việt rất hiệu quả.

Đáng chú ý, nhằm đưa hàng Việt về tận tay người tiêu dùng, thời gian qua, được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Đắk Nông đã phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng các mô hình thí điểm điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 4 mô hình “Tự hào hàng Việt” tại các huyện Đắk R’lấp, Krông Nô, Tuy Đức và Đắk Mil được đưa vào vận hành. Kết quả cho thấy lượng tiêu thụ hàng hóa tăng 20 - 30% so với thời điểm chưa xây dựng mô hình. Qua việc xây dựng mô hình đã giúp người tiêu dùng được tiếp cận và sử dụng những sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, có uy tín, chất lượng và giá cả hợp lý, từ đó hình thành thói quen sử dụng và ủng hộ hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền, quảng bá về điểm bán hàng Việt để đông đảo nhân dân biết và tham gia mua sắm.

Sở Công Thương còn liên tục triển khai các hoạt động đưa hàng Việt Nam về các huyện miền núi như Đắk Mil, Đắk R’lấp và Tuy Đức, vừa tạo cơ hội tiêu thụ hàng hóa, vừa giúp người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa Việt Nam chính hãng với giá cả phải chăng.

Đưa hàng hóa địa phương ra các tỉnh thành khác

Để đưa hàng hóa Đắk Nông ra các tỉnh bạn, trong năm 2022, Sở Công Thương Đắk Nông đã xây dựng Kế hoạch thực hiện các đề án: Hỗ trợ các đơn vị sản xuất sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và chất lượng cao của tỉnh đi nghiên cứu thị trường kết nối giao thương và đưa hàng vào tiêu thụ tại các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh; Hội nghị kết nối cung cầu giữa tỉnh Đắk Nông và các tỉnh, thành phố cả nước.

Tỉnh Đắk Nông còn đẩy mạnh việc đưa nông sản địa phương ra các tỉnh thành khác

Song song đó, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại như Hội chợ Triển lãm thương mại sản phẩm công nghiệp nông thôn – OCOP Trà Vinh năm 2022 từ ngày 28/4/2022 – 4/5/2022; Hội chợ Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022, chủ đề: “Liên kết cùng phát triển” từ ngày 28/4/2022 – 03/5/2022.

Ngoài ra, thông báo đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh biết, đăng ký tham gia các chương trình xúc tiến thương mại: Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên – Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022; Hội chợ Triễn làm “Mỗi xã, phường một sản phẩm Thái Nguyên năm 2022”; Hội chợ thương mại Festival Huế năm 2022; Hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của khu vực miền Trung – Tây Nguyên tại thành phố Đà Nẵng.

Thời gian tới, Ban chỉ đạo Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa thông tin tuyên truyền, vận động, làm cho người tiêu dùng nhận thức đúng về khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường thông qua việc tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, tổ chức các đoàn tham gia Hội chợ.

Năm 2023, tỉnh Đắk Nông dự kiến tổ chức hàng loạt sự kiện xúc tiến thương mai như Hội nghị ngành Công Thương và các Hội nghị, hội chợ các tỉnh, khu vực Miền Trung – Tây Nguyên năm 2023 tại Đắk Nông… Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn để thúc đẩy tiêu dùng trong tỉnh.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dak-nong-tang-ty-le-hang-viet-nam-trong-kenh-phan-phoi-244418.html