Đắk Nông tổ chức lễ hội văn hóa thổ cẩm cấp quốc gia

Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I năm 2018 với quy mô cấp quốc gia sẽ được tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa từ ngày 5-7/1/2019.

Ngày 11/12, tại Hà Nội, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức buổi họp báo thông tin các hoạt động trong chương trình Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I và Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2018.

Theo đó, Lễ Hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông từ ngày 5-7/1/2019, gồm các hoạt động như: Triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm và không gian ẩm thực, Hội thảo văn Hóa thổ cẩm Việt Nam, Lễ hội đường phố và Trình diễn thời trang thổ cẩm ứng dụng.

Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh Đắk Nông; đồng thời nhằm bảo tồn và phát huy hoa văn và trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng; giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về hoa văn, trang phục truyền thống, tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh Đắk nông trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và cả nước Việt Nam rất đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại, màu sắc, đường nét, đậm đà bản sắc, giàu biểu tượng biểu đạt các giá trị nhân văn, đó là quan niệm thế giới quan, nhân sinh quan, các giá trị về phong tục tập quán, kỹ thuật trang trí hoa văn, bố cục đường nét, màu sắc trên vải…

Trong những năm qua, Đắk Nông đã có những nỗ lực nhằm gìn giữ, phát triển văn hóa thổ cẩm bằng cách mở các lớp dạy dệt, giới thiệu, trưng bày triển lãm thổ cẩm, thương mại hóa các sản phẩm từ thổ cẩm…

Chương trình, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất là một hoạt động văn hóa du lịch đa dạng và phong phú, tôn vinh những giá trị văn hóa ngành nghề truyền thống còn lưu truyền đến ngày nay, để quảng bá giới thiệu và ghi đậm dấu ấn văn hóa du lịch trong lòng du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân tiếp cận với những công cụ xe sợi cải tiến so với phương thức truyền thống.

Bên cạnh đó, Lễ hội được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Qua đó góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. Đồng thời động viên khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của hoa văn, trang phục thổ cẩm truyền thống.

Hà Thu

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/dak-nong-to-chuc-le-hoi-van-hoa-tho-cam-cap-quoc-gia_n44029.html