Đảm bảo an toàn chạy tàu là ưu tiên số 1 trong khi chờ giao vốn bảo trì

Trong khi chờ giải quyết các vướng mắc trong giao vốn và triển khai vốn bảo trì, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu ngành đường sắt thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn chạy tàu thông suốt.

Cụ thể, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, ngay từ tháng 12/2020, cùng với việc giao vốn cho Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chịu trách nhiệm về việc đảm bảo an toàn công trình, an toàn chạy tàu; chỉ đạo các đơn vị thành viên ngay từ ngày 1/1/2021, thường xuyên kiểm tra, thực hiện bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và các nội dung khác liên quan nhằm đảm bảo an toàn công trình, an toàn chạy tàu.

Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho hay, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã nhiều lần ra văn bản đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các doanh nghiệp cổ phần, thông tin tín hiệu đường sắt, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Đồng thời, chủ động tổ chức quản lý, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia để duy trì trạng thái kỹ thuật, chất lượng, an toàn thông suốt.

"Bản thân Cục Đường sắt Việt Nam với vai trò quản lý nhà nước cũng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra vấn đề an toàn đường sắt trên các tuyến đường sắt, đặc biệt là tuyến Bắc - Nam nơi đang thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo đoạn Hà Nội Vinh và Nha Trang- Tp. Hồ Chí Minh", ông Vũ Quang Khôi cho hay.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Đình Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội cho hay, dù chưa ký được hợp đồng đặt hàng, ứng vốn nhưng công ty vẫn thực hiện duy tu, đảm bảo an toàn trên cơ sở kế hoạch bảo trì Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

“Về vật tư, vật liệu thay thế phục vụ sửa chữa định kỳ phải trên cơ sở phương án tác nghiệp được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chấp thuận. Tuy nhiên, đối với những trở ngại lớn, gây ảnh hưởng điều hành chạy tàu, do chưa có vốn, công ty phải mua hoặc mượn vật tư của các đối tác. Còn những vật tư, vật liệu lẻ phục vụ cho cho việc duy tu như dầu mỡ, công ty vẫn phải mua, phải thực hiện bình thường”, ông Bùi Đình Sỹ chia sẻ.

Ông Phạm Nguyễn Chiến, Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Phú Khánh (một trong 20 doanh nghiệp bảo trì đường sắt) cho hay, do chưa ký hợp đồng đặt hàng bảo trì nên công ty chưa được ứng 30% vốn hợp đồng.

Tuy vậy, công ty vẫn bố trí nhân lực hệ tuần gác như gác chắn, tuần đường, tuần hầm đầy đủ; bố trí công nhân duy tu để kiểm tra, chữa xấu chống xóc lắc và sửa chữa khẩn cấp đảm bảo an toàn; trong đó, tuy chưa thể đưa các vật tư chủ yếu vào công trình nhưng khi cần thiết phải sửa chữa, thay thế thì vẫn thay ngay, kể cả ray.

Đại diện lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, an toàn chạy tàu đối với ngành đường sắt là nhiệm vụ quan trọng số một. Tổng công ty đã có công điện chỉ đạo người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại 20 doanh nghiệp bảo trì nêu cao trách nhiệm, duy trì trạng thái kỹ thuật cầu đường, giữ vững công lệnh tốc độ và công lệnh tải trọng.

Cùng với đó, Tổng công ty cũng chủ động triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất…

"Rất mong các cơ quan chức năng sớm tháo gỡ vướng mắc hiện nay về giao vốn, thực hiện vốn bảo trì đường sắt để gỡ khó cho doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng bảo trì, an toàn chạy tàu và an toàn giao thông đường sắt”, đại diện lãnh đạo VNR chia sẻ.

Chia sẻ thêm với phóng viên TTXVN, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị vừa có văn bản đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường kiểm tra các vị trí đang thi công trên đường sắt đang khai thác nhằm đảm bảo an toàn về người, công trình, an toàn chạy tàu; chủ động thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt trong quá trình quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có văn bản số 803/BC-ĐS báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong việc giao vốn và thực hiện vốn bảo trì đường sắt năm 2021.

Do vướng mắc về các quy định pháp luật nên đến nay chưa thể ký hợp đồng đặt hàng bảo trì với 20 doanh nghiệp bảo trì đường sắt, các doanh nghiệp chưa có kinh phí mua vật tư đưa vào công trình, chi thường xuyên và trả lương cho người lao động, khó khăn trong điều hành sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn.

Tổng công Đường sắt Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế (vốn bảo trì) cho việc quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tần đường sắt quốc gia giai đoạn từ năm 2021 trở về sau cho Tông công ty như các năm trước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 16/4 vừa qua, ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, vốn bảo trì đường sắt năm 2021 đã được Bộ giao Cục Đường sắt Việt Nam từ cuối năm 2020; đồng thời yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện các thủ tục đặt hàng để việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2021 thường xuyên, liên tục và triển khai ngay từ đầu năm 2021.

“Việc giao vốn bảo trì cho Cục Đường sắt Việt Nam căn cứ vào Khoản 1 Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước và ý kiến của Bộ Tài chính - Bộ chuyên ngành quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách. Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về đường sắt, là đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và là đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới nên việc giao vốn cho Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì thực hiện hoàn toàn phù hợp với các văn bản, quy định pháp luật hiện hành”, ông Lê Hoàng Minh khẳng định.

Về kiến nghị giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai như trước, theo ông Lê Hoàng Minh là không thể thực hiện được. Lý do, Tổng công ty hiện đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý, không là đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải nữa.

Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông thông tin thêm, sau khi được Bộ Giao thông Vận tải giao kế hoạch và dự toán, ngay trong tháng 1/2021, Cục Đường sắt Việt Nam đã dự thảo các hợp đồng đặt hàng bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, quản lý, giám sát công tác bảo dưỡng; tổ chức họp nhiều lần với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và 20 công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt để triển khai nhiệm vụ đặt hàng bảo trì.

Nhưng đến nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và 20 công ty bảo trì không đồng ý thương thảo ký hợp đồng đặt hàng vì còn vướng một số nội dung quy định tại Điều 21 Luật Đường sắt và Luật Đấu thầu. Còn theo các công ty bảo trì, do chưa được Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chấp thuận chủ trương ký hợp đồng có giá trị trên 35% giá trị tài sản doanh nghiệp nên theo quy định, chưa đủ điều kiện để ký hợp đồng đặt hàng với Cục Đường sắt Việt Nam.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kêu cứu vì vướng mắc chậm được phân bổ vốn bảo trì. Trước đó vào đầu năm 2020, ngành đường sắt cũng phải gặp hoàn cảnh tương tự khi đến hết tháng 2/2020 vẫn chưa được Bộ Giao thông Vận tải giao kinh phí bảo trì đường sắt.

Sau đó, để giải quyết tình trạng này, Bộ Giao thông Vận tải đã phải tạm giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt sau khi có Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ để thực hiện đặt hàng dịch vụ công ích với 20 công ty trực thuộc VNR nhằm kịp thời đảm bảo an toàn chạy tàu như duy tu, bảo trì, tuần đường, gác chắn, hệ thống thông tin tín hiệu… Tuy nhiên, đến năm 2021, phương án giao vốn cho đơn vị nào vẫn chưa được tháo gỡ.

Quang Toàn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/dam-bao-an-toan-chay-tau-la-uu-tien-so-1-trong-khi-cho-giao-von-bao-tri-20210419174626088.htm