Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão

Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy mùa mưa bão năm nay, các đơn vị, lực lượng chức năng trong tỉnh đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự ATGT trên các tuyến sông, hồ, đặc biệt tại các bến khách ngang sông.

Khách đi phà tại bến phà Hiếu Liêm - Trị An (đoạn qua huyện Vĩnh Cửu) mặc áo phao khi lên phà. Ảnh: T.HẢI

Khách đi phà tại bến phà Hiếu Liêm - Trị An (đoạn qua huyện Vĩnh Cửu) mặc áo phao khi lên phà. Ảnh: T.HẢI

Vào mùa mưa bão, điều kiện thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến dòng chảy khiến tàu, thuyền, phà đi lại trên sông gặp nhiều khó khăn.

* Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường thủy

Đồng Nai có nhiều tuyến sông, hồ, kênh, rạch nên tình hình giao thông đường thủy hoạt động khá nhộn nhịp. Toàn tỉnh hiện có trên 15 bến khách sang sông, bến khách du lịch tập trung chủ yếu tại TP.Biên Hòa, các huyện: Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch, Định Quán, Tân Phú.

Để tránh tình trạng tàu, sà lan đâm, va vào cầu như đã từng xảy ra, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đề nghị các đơn vị liên quan có các giải pháp hợp lý, kiên quyết hơn đối với phương tiện neo đậu ở khu vực cảng của 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương cũng như lưu thông qua đoạn sông này; không để xảy ra tình trạng tương tự và có biện pháp đảm bảo an toàn cho cầu.

Bến đò Hiếu Liêm - Trị An (thuộc xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) là bến đò chính kết nối giao thương giữa các xã của huyện nên lưu lượng người qua lại đông đúc. Đây cũng là bến đò có các chuyến phà từ xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) đi huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), vì vậy tình hình giao thông đường thủy qua đây khá phức tạp. Với lòng sông sâu, nước chảy xiết tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy.

Trước tình trạng trên, trong những năm qua, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã tích cực tuyên truyền, vận động để chủ đò, phà và người tham gia giao thông nêu cao ý thức, trách nhiệm đảm bảo ATGT.

Ông Huỳnh Văn Chánh (lái phà từ xã Hiếu Liêm đi xã Trị An) cho biết, mỗi ngày có khoảng 300-500 khách qua lại. Khách đi phà chủ yếu là người dân đi làm rẫy qua lại giữa hai bờ nên ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông chưa cao. Một số người còn tỏ ra lơ là, không mặc áo phao, khi nhắc nhở mới chịu mặc.

Không chỉ việc vận chuyển khách, ngay cả việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng qua sông mùa mưa lũ cũng thường gặp nguy hiểm hơn. Cụ thể như hai bên sông Đồng Nai đoạn qua các phường Bửu Hòa, Hóa An, Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) có nhiều bến thủy nội địa, mỏ khai thác vật liệu xây dựng hoạt động nên mỗi ngày có hàng ngàn sà lan chở đá qua lại. Mật độ phương tiện tăng cao cũng kéo theo nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy. Chưa kể, trên sông Đồng Nai hiện tồn tại các bãi đá ngầm, gây bất lợi cho hoạt động lưu thông.

Ông Lê Văn Đạt (quê tỉnh Bến Tre) điều khiển tàu chở đá cho biết, địa hình sông Đồng Nai phức tạp nên việc chở hàng hóa không đảm bảo theo quy định rất dễ xảy ra các sự cố như: đâm vào đá ngầm, tàu bị nghiêng, thậm chí lật tàu. Mỗi lần gặp nước cạn ông đều phải neo tàu lại chờ nhiều giờ đồng hồ trên sông Đồng Nai đoạn qua phường Tân Hạnh (TP.Biên Hòa). Khi nước lên mới cho tàu qua và phải chấp hành nghiêm các bảng chỉ dẫn của lực lượng chức năng.

* Tăng cường các biện pháp an toàn

Là tuyến đường sông huyết mạch của khu vực Ðông Nam bộ, sông Ðồng Nai có vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, nhất là vật liệu xây dựng từ Ðồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây và ngược lại. Vào mùa mưa bão, nỗi lo mất ATGT đường thủy càng lớn nên các ngành chức năng đã tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo ATGT.

Lực lượng Thanh tra giao thông (Sở Giao thông - vận tải) kiểm tra tàu, thuyền lưu thông trên sông Đồng Nai

Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho rằng, việc tăng cường kiểm tra, siết chặt điều kiện về điều khiển phương tiện của các chủ tàu được lực lượng chức năng tập trung xử lý. Đặc biệt, không để người dân dùng ghe, thuyền làm phương tiện chở người đi lại trên sông không đảm bảo an toàn.

Chánh Thanh tra giao thông Sở Giao thông - vận tải Nguyễn Phan Trong còn cho rằng, đơn vị thường bố trí lực lượng phối hợp Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh tuần tra trên tuyến sông và ứng trực để kịp thời xử lý các tình xuống xảy ra. Với những phương tiện chở hàng hóa vượt quá vạch dấu nước, chở quá tải trọng cho phép, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn... sẽ bị xử lý nghiêm.

“Vào mùa mưa bão, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra toàn bộ các bến phà, bến khách ngang sông đang hoạt động. Với các bến khách, bến đò không đảm bảo ATGT, phà không trang bị áo phao, dụng cụ nổi kiên quyết tạm dừng vận chuyển khách đến khi đủ điều kiện mới cho hoạt động trở lại” - ông Trong nói.

Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu, các ngành chức năng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: phân luồng, cắm biển báo ở những nơi có nguy cơ mất an toàn; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra ở những nơi dễ gây mất ATGT đường thủy.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201907/dam-bao-an-toan-giao-thong-duong-thuy-mua-mua-bao-2954028/