Đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa bão

Đập, hồ chứa thủy điện đóng vai trò quan trọng trong điều tiết, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Đảm bảo an toàn hồ, đập mùa mưa bão là ưu tiên hàng đầu.

Đập, hồ chứa thủy điện đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, thoát lũ, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Do đó, đảm bảo an toàn cho các công trình này là một trong những nhiệm vụ quan trọng và được ưu tiên hàng đầu, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.

Sẵn sàng ứng phó

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 9 ở khu vực miền núi phía Bắc sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm. Mùa mưa lũ năm 2022, lưu vực sông Hồng có thể xuất hiện sớm trong tháng 6; đặc biệt đỉnh lũ cũng cao hơn năm 2021. Trước tình hình đó, ngay trong tháng 5, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm trưởng đoàn kiểm tra tại khu vực hồ thủy điện Hòa Bình (tháng 5/2022)

Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm trưởng đoàn kiểm tra tại khu vực hồ thủy điện Hòa Bình (tháng 5/2022)

Ông Phạm Trọng Thực- Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, qua công tác kiểm tra cho thấy, các chủ hồ chứa đều thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy điện. Tại thời điểm kiểm tra, các hồ chứa thủy điện đều đang ở trạng thái làm việc bình thường. Các địa phương có đập, hồ chứa thủy điện cũng đã tăng cường chỉ đạo các chủ hồ, công trình thủy điện tổ chức rà soát quy trình vận hành, phương án bảo vệ đập, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ chứa, phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập; cắm mốc chỉ giới bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi.

Trong quá trình vận hành, các nhà máy thủy điện đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với ngành nông nghiệp, các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các cơ quan tại địa phương, thực hiện tốt đồng thời nhiệm vụ phát điện và nhiệm vụ cấp nước cho hạ du mùa khô, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện; đặc biệt trong quá trình điều tiết hồ trong mùa lũ đã giảm/cắt lũ, giảm thiệt hại cho hạ du.

Trước đó, trong tháng 4 và đầu tháng 5, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương cũng đã tiến hành công tác kiểm tra các đập và hồ chứa thủy điện tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, các đơn vị quản lý vận hành các hồ chứa thủy điện đã nghiêm túc vận hành theo quy trình đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa, góp phần nâng cao hiệu quả dung tích phòng lũ và làm chậm lũ, giảm lũ cho hạ du, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, góp phần quan trọng hiệu quả phát điện nhất là các nhà máy thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên tham gia công tác điều tiết hệ thống để tăng khả năng tiếp nhận điện từ các nhà máy điện gió, điện mặt trời.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Trọng Thực, qua xem xét báo cáo của các chủ đập, hồ chứa thủy điện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Các hành vi, vi phạm hành lang hồ, đập cũng như việc cắm mốc cảnh báo ngập lụt hạ du còn gặp nhiều khó khăn; hành lang thoát lũ hạ du đập còn bị lấn chiếm như tại hồ chứa nước thủy điện Trị An, Thác Bà… Một số địa phương chưa có quy chế phối hợp trong công tác vận hành với công trình thủy điện; một số chủ hồ chứa nước thủy điện chưa có phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp do chưa được cấp có thẩm quyền cung cấp bản đồ ngập lụt vùng hạ du theo như quy định tại Nghị định số NĐ/114/2018 của Chính phủ...

Sử dụng hiệu quả nguồn nước

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, hiện các công ty thủy điện của EVN trên lưu vực sông Hồng đã đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống quan trắc; triển khai áp dụng công nghệ mới vào hệ thống thu thập quan trắc từ xa, hiển thị dữ liệu theo thời gian thực, tự động cảnh báo và báo cáo định kỳ để giám sát online từ xa các công trình, đảm bảo quản lý an toàn, ổn định đập và hồ chứa. EVN cũng đã chỉ đạo các công ty, tổ chức rà soát, cập nhật, bổ sung, xây dựng các phương án: Ứng phó với tình huống khẩn cấp, ứng phó thiên tai, đảm bảo thông tin liên lạc...

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN - thông tin, các nhà máy thủy điện thuộc EVN đang được huy động tối đa, đặc biệt các nhà máy thủy điện trên sông Đà, công suất chạy 24/24 giờ. Năm nay, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện như than, khí tăng rất cao, dẫn đến giá thành sản xuất điện tăng cao. Vì vậy, ông Ngô Sơn Hải đề xuất, ngoài yếu tố đảm bảo an toàn về phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cần có những tính toán để vừa đảm bảo an toàn hồ chứa, vừa sử dụng nguồn nước hiệu quả, kinh tế.

Ông PHẠM TRỌNG THỰC - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp: Thời gian qua, UBND các tỉnh, thành phố có hồ chứa nước thủy điện đã làm rất tốt công tác điều hành, nhờ đó đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dam-bao-an-toan-ho-dap-trong-mua-mua-bao-179970.html