Đảm bảo an toàn là mục tiêu đầu tiên trong hoạt động giáo dục

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã rất quan tâm chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trường học. Mục tiêu đảm bảo an toàn cho học sinh giáo viên là mục tiêu đầu tiên trong hoạt động giáo dục của mỗi nhà trường.

Đảm bảo an toàn là mục tiêu đầu tiên trong hoạt động giáo dục

Đảm bảo an toàn là mục tiêu đầu tiên trong hoạt động giáo dục

Hành lang pháp lý đã đủ mạnh

Ông Bùi Văn Linh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Mục tiêu và nội dung chỉ đạo đảm bảo an toàn trường học an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Thời gian vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã rất quan tâm chỉ đạo công tác này. Trong 5 năm qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành gần 20 văn bản quy phạm pháp luật, tham mưu các quyết định đề án của thủ tướng, gửi văn bản cho chủ tịch các tỉnh, thành phố đôn đốc nhắc nhở xử lí các sự việc liên quan về an toàn trường học.

Năm 2019, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Luật giáo dục 2019, trong đó nhấn mạnh yếu tố quan trọng xây dựng trường học an toàn lành mạnh thân thiện. Năm 2017, Bộ GD&ĐT cũng đã tham mưu chính phủ kí ban hành Nghị định 80 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Bên cạnh đó dưới thẩm quyền quản lí nhà nước thì Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều thông tư trong đó có Thông tư quy định về tiêu chí trường học an toàn hạnh phúc và phòng chống tai nạn thương tích, các vấn đề về an toàn giao thông, an toàn thực phẩm.

Gần đây nhất, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 13/2020 quy định về các điều kiện tối thiểu của trường học. Trong thông tư này đã quy định những tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, hệ thống trường lớp, hệ thống tường bao, hệ thống điện nước... của từng cấp học.

Như vậy, văn hóa học đường liên quan trực tiếp đến vấn đề đảm bảo an toàn cho giáo viên học sinh. Văn hóa hóa học đường tiếp cận ở 2 giác độ, thứ nhất phần cứng là toàn bộ các thiết chế liên quan vệ cơ sở vật chất, thứ hai phần mềm là hệ thống các quy định, quy chế chi tiêu nội bộ, chức năng hoạt động của nhà trường và quy tắc ứng xử giữa các chủ thể, giáo viên học sinh, cán bộ quản lí.

Nếu chúng ta làm tốt vấn đề về phần cứng và phần mềm của thiết chế và thể chế của văn hóa học đường thì sẽ đảm bảo được an toàn trường học.

Việc đánh giá nhìn nhận chính xác nguyên nhân khách quan chủ quan của các vụ việc nêu trên thì chúng ta tìm giải pháp phù hợp để xử lí các tồn tại bất cập như vậy. Mục tiêu đảm bảo an toàn cho học sinh giáo viên là mục tiêu đầu tiên trong hoạt động giáo dục của mỗi nhà trường.

Ảnh minh họa

Kịp thời rà soát, phân rõ trách nhiệm

Tuy nhiên thời gian vừa qua, liên tiếp xuất hiện những sự cố về an toàn trường học như vụ sập cổng trường ở Lào Cai khiến 3 học sinh tử vong, vụ sập tường rào tại Nghệ An khiến 1 học sinh tử vong, vụ rơi quạt trần tại Lào Cai khiến 1 học sinh nhập viện... Những tai nạn kể tên xảy ra do một số nguyên nhân khách quan chủ quan.

Thứ nhất là việc thực hiện các chỉ đạo quyết định của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT, của tỉnh, huyện trong các cơ sở giáo dục về vấn đề an toàn trường học đối với phần cơ sở vật chất, nhân viên bảo vệ, tổ chức bồi dưỡng tập huấn... thực hiện chưa tốt.

Hành lang pháp lí đã được hoàn thiện, các quy định liên quan về trường học an toàn đã được ban hành rất cơ bản, đầy đủ, kịp thời. Nhưng việc thực hiện tổ chức thực hiện quán triệt chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra và dẫn đến thỉnh thoảng lại có những vụ việc đau lòng xảy ra.

Vấn đề thứ 2 là việc tổ chức rà soát kiểm tra có kế hoạch tu bổ sửa chữa và thay thế những hạng mục vấn đề tiềm ẩn rủi ro của các nhà trường, ở đây là trách nhiệm của các đồng chí trong BGH hoặc người đứng đầu bí thư cấp ủy chi bộ hoặc hiệu trưởng thực hiện chưa tốt và chưa thường xuyên.

Khi rà soát được vấn đề đó, với năng lực phát hiện ra vấn đề thì chắc chắn hồ sơ của nhà trường, Ban an toàn trường học sẽ có việc theo dõi thường xuyên đó và lên phương án để thay đổi, như vậy sẽ không có hiện trượng bỏ rơi.

Vấn đề thứ 3 rất lớn, không chỉ của riêng ngành GD mà cả các ngành khác, đó là chúng ta đầu tư kinh phí để xây dựng kiên cố trường lớp học, nhất là tu bổ thường xuyên kinh phí ngân sách thường xuyên là rất hạn chế.

Phần đó chi rất nhiều vào việc chi trả tiền lương lao động cho các thầy cô. Phần còn lại ví dụ như thay thế đồ dùng, vật nguy hiểm hoặc hệ thống tường bao, hệ thống bảo vệ, camera an ninh... còn thiếu so với nhu cầu.

Một điều đáng chú ý là vị trí của nhân viên bảo vệ trường học chưa được quan tâm đúng mức. Theo Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập đã quy định mỗi nhà trường có 1 vị trí nhân viên bảo vệ, vị trí này sẽ giúp cho lãnh đạo nhà trường thực hiện việc quản lí các hoạt động của giáo viên, học sinh tốt hơn.

Năm 2020, trong kế hoạch xây dựng trường học an toàn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có nội dung chỉ đạo các cơ sở GDPT trong toàn quốc (quy mô 50.000 trường) là thành lập Ban an toàn trường học, trong đó nhấn mạnh vào việc tham mưu cho hiệu trưởng, cho bí thư chi bộ cấp ủy để triển khai các nội dung liên quan do Bộ, địa phương chỉ đạo.

Các thành viên trong Ban an toàn trường học sẽ thực hiện những nhiệm vụ do hiệu trưởng giao. Ban đó sẽ chịu trách nhiệm khi xảy ra vấn đề liên quan ở yếu tố chủ quan như không kịp thời rà soát, không kịp thời báo cáo lãnh đạo nhà trường từ đó sẽ phân công trách nhiệm cụ thể, chịu trách nhiệm về những sự việc xảy ra.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/dam-bao-an-toan-la-muc-tieu-dau-tien-trong-hoat-dong-giao-duc-ViZg8VOMR.html