Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cơ sở kinh doanh, dịch vụ

ĐBP - Thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trước tình hình trên, lực lượng chức năng cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn PCCC tại các cơ sở này.

Công an phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) hướng dẫn đơn vị kinh doanh nhà nghỉ sử dụng các phương tiện, dụng cụ chữa cháy đúng kỹ thuật.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có trên 70 cơ sở kinh doanh karaoke, 2 quán bar. Mặc dù trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke, nhưng nguy cơ tiềm ẩn xảy ra sự cố cháy nổ gây thiệt hại lớn cho người và tài sản luôn thường trực. Bởi cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke có đặc thù là nơi thường tập trung đông người đến vui chơi, giải trí. Hầu hết các phòng hát đều được thiết kế kín, hành lang đi lại nhỏ, hẹp; cách âm bằng các vật liệu dễ cháy như: Mút, xốp, da… Cùng với đó, hệ thống dây điện phức tạp, nhiều thiết bị điện được sử dụng liên tục; tình trạng khách hàng thắp nến tổ chức sinh nhật, hút thuốc lá... diễn ra phổ biến. Trong khi các cơ sở kinh doanh karaoke lại thường nằm trong khu vực đông dân cư, vì vậy khi xảy ra sự cố cháy, nổ, lượng khói và khí độc thải ra nhiều và khó thoát khí, lực lượng chức năng khó tiếp cận để xử lý đám cháy và thực hiện cứu nạn, cứu hộ.

Nhằm hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra cháy nổ tại các cơ sở, hàng năm, Công an tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC & CNCH đối với các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 13/8 - 28/9, lực lượng Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH triển khai đợt kiểm tra 55 cơ sở karaoke và 2 quán bar trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính 8 trường hợp với số tiền hơn 32 triệu đồng, trong đó 1 trường hợp tạm đình chỉ hoạt động. Những vi phạm chủ yếu tại các cơ sở karaoke như: Hệ thống điện, chống sét chưa đảm bảo; chưa có sơ đồ chỉ dẫn lối thoát nạn; thiếu trang thiết bị PCCC. Trung tá Trần Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CNCH cho biết: Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, hướng dẫn và yêu cầu các đơn vị vi phạm khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC. Hiện nay, các đơn vị đã chấp hành và tiến hành khắc phục theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ có 105 cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng quản lý về an toàn PCCC. Trung tá Phạm Thành Phong, Đội trưởng Đội PCCC & CNCH (Công an TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ luôn được Công an TP. Điện Biên Phủ quan tâm, chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC cho các chủ đơn vị kinh doanh dịch vụ; phối hợp với UBND các phường, xã tổ chức tuyên trền về PCCC & CNCH 1.548 lượt qua hệ thống truyền thanh của các xã, phường đến các tổ dân phố, bản; tuyên truyền trực tiếp 21 buổi với 1.612 người nghe. Bên cạnh đó, Công an TP. Điện Biên Phủ tổ chức 5 buổi tập huấn PCCC & CNCH cho 450 đội viên dân phòng và các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời, kiểm tra 46 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC & CNCH, qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở chấp hành tốt quy định về PCCC.

Năm 2014, Gara ô tô Thái Hạnh (phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ) xảy ra vụ cháy gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Sau khi sự cố xảy ra, cơ sở này đã quan tâm, chú trọng thực hiện, chấp hành các quy định về an toàn PCCC. Anh Trần Đình Hạnh, chủ gara cho biết: Đơn vị đã kiểm tra, đầu tư lắp đặt hệ thống điện đảm bảo an toàn PCCC, trang bị đầy đủ các thiết bị chữa cháy. Hàng năm, đơn vị tổ chức cho nhân viên, người lao động tham gia các buổi tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng PCCC do cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức. Đặc biệt, đơn vị luôn nhắc nhở nhân viên, người lao động không chủ quan, lơ là trong công tác PCCC.

Theo Trung tá Phạm Thành Phong, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố đã thực hiện nghiêm công tác PCCC. Tuy nhiên, hiện nay, công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại đang tồn tại nhiều hạn chế, mất an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ. Đơn cử như: Chợ Trung tâm 1, Trung tâm 3 và Noong Bua. Hầu hết các chợ trên đều không có bể nước, máy bơm, các phương tiện chữa cháy; không lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động; hệ thống điện đã lắp đặt từ lâu, không theo quy định, mất an toàn; các hộ kinh doanh ngại đầu tư vào công tác PCCC… Chính vì vậy, thời gian tới, Công an TP. Điện Biên Phủ sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng PCCC cho các hộ kinh doanh, buôn bán tại các chợ trên địa bàn. Bên cạnh đó, kiến nghị với UBND TP. Điện Biên Phủ quan tâm đầu tư hạ tầng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại các khu vực chợ nhằm đảm bảo an toàn PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất các khả năng có thể xảy ra cháy nổ.

Bài, ảnh: Nhật Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/200150/dam-bao-an-toan-phong-chay-chua-chay-co-so-kinh-doanh-dich-vu