Đảm bảo an toàn, phòng ngừa tai nạn lao động ở Điện Biên Đông

ĐBP - Với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người lao động, thời gian qua huyện Điện Biên Đông triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, ý thức về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động trên địa bàn. Từ đó, góp phần hạn chế, phòng ngừa tai nạn, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

Người lao động Điện lực Điện Biên Đông được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc để đảm bảo an toàn lao động.

Trên địa bàn huyện Điện Biên Đông hiện có 12 công ty, doanh nghiệp và 16 hợp tác xã đang hoạt động với số công nhân, lao động hàng trăm người. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra vụ tai nạn lao động nặng với người lao động làm việc theo hợp đồng tại các doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên đã xảy ra 17 vụ tai nạn lao động với người lao động làm việc tự do hoặc làm thuê cho các doanh nghiệp ngoài huyện; trong đó, 2 trường hợp tử vong do điện giật. Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động chủ yếu do người lao động làm việc bất cẩn, thiếu phương tiện bảo hộ lao động...

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông chia sẻ: Để đảm bảo an toàn, phòng ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn lao động trên địa bàn, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, triển khai các văn bản có liên quan đến ATVSLĐ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là phổ biến kiến thức và kỹ năng về ATVSLĐ; tuyên truyền người lao động xóa bỏ hủ tục, thói quen mất vệ sinh, gây hại, nguy hiểm cho sức khỏe bản thân và cộng đồng trong quá trình lao động; tuyên truyền thông tin về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... Mặt khác, huyện vận động người sử dụng lao động quan tâm chú ý đến công tác ATVSLĐ, nhất là việc phổ biến kỹ năng, xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo an toàn lao động; quan tâm đảm bảo điều kiện lao động tại nơi làm việc; cấp phát đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo hộ cho người lao động; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLĐ; chú trọng kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có khả năng gây tai nạn trong quá trình lao động như ngã cao, đồ vật rơi, đổ sập, điện giật...

Hàng năm huyện chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ trên địa bàn; phối hợp mở các lớp tập huấn về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức làm công tác an toàn lao động, bảo hiểm xã hội thuộc các cơ quan, đơn vị, phòng, ban, đoàn thể huyện và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định về ATVSLĐ.

Từ năm 2019 đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức 6 cuộc kiểm tra về công tác thực hiện Luật ATVSLĐ tại các doanh nghiệp. Trong năm 2021, Phòng đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra về công tác ATVSLĐ tại 2 công trình đang thi công trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp sử dụng lao động đã có ý thức chấp hành pháp luật an toàn lao động và thực hiện nghiêm chế độ, chính sách bảo hộ lao động theo quy định; chủ động xây dựng nội quy lao động, quy trình an toàn cho các loại máy, thiết bị; cung cấp đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân cho người lao động.

Ngoài ra, huyện cũng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành các quy định về đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động tại các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn; đôn đốc, nhắc nhở kịp thời các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động... Chú trọng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo ATVSLĐ theo phương châm "An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn", "An toàn là trên hết"... Nhờ vậy, số vụ tai nạn lao động trên địa bàn huyện Điện Biên Đông thời gian qua đã giảm so với những năm trước. Các đơn vị sử dụng lao động đã có ý thức hơn trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ, chủ động cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn lao động. Người lao động tuân thủ nghiêm nội quy, quy trình đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc, tự giác sử dụng đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân được cấp phát, từ đó chủ động phòng ngừa, hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

Bài, ảnh: Đức Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/192322/dam-bao-an-toan-phong-ngua-tai-nan-lao-dong-o-dien-bien-dong