Đảm bảo an toàn và an ninh mạng trong kỷ nguyên IoT

Hội thảo và Triển lãm quốc tế về Smart IoT Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông và UBND TP Hồ Chí Minh cùng phối hợp tổ chức.

Smart IoT Việt Nam 2018 gồm 3 phiên hội thảo chuyên đề và 1 phiên báo cáo toàn thể.

Hội thảo chuyên đề 1 tập trung vào thảo luận chủ đề “Đảm bảo an toàn và an ninh mạng trong kỷ nguyên IoT”. Tham gia vào chuyên đề 1, ông Trần Công Quỳnh Lân đã có những chia sẻ về “Những vấn đề cần quan tâm trong bảo mật thông tin cá nhân và dữ liệu tài chính trong giao dịch trực tuyến”

Theo phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông: IoT (Internet of Things) là một công nghệ nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Với chiến lược, đến năm 2020, về cơ bản, mỗi hộ gia đình Việt Nam một đường truyền cáp quang, mỗi người dân một máy smartphone và hạ tầng di động 5G phủ rộng, ưu tiên cho IoT trước, thì Việt Nam chúng ta sẽ là một trong số ít nước đảm bảo tốt hạ tầng kết nối IoT.

Thuận lợi lớn nhất của Việt Nam là chúng ta có hạ tầng viễn thông tốt, có một số doanh nghiệp viễn thông mạnh có khả năng đầu tư trước về hạ tầng phủ sóng toàn quốc. Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đã quy hoạch đủ số điện thoại, địa chỉ IP cho hàng tỷ thiết bị IoT. IoT phải đi liền với an toàn, an ninh thông tin.

Điều gì sẽ xảy ra nếu thế giới ảo bị kẻ xấu xâm nhập và điều khiển? Thế giới càng bị ảo hóa bao nhiêu, chúng ta sống trong thế giới ảo càng nhiều bao nhiêu thì tầm quan trọng của an toàn, an ninh thông tin càng lớn bấy nhiêu.

Việt Nam phải phát triển một nền công nghiệp về an ninh mạng. Người Việt Nam trên toàn cầu, có rất nhiều người giỏi về an ninh mạng. Đây cũng là cơ hội của chúng ta để đảm bảo an ninh mạng cho các thiết bị IoT. Việc sớm ứng dụng, và ứng dụng rộng rãi IoT sẽ góp phần giúp Việt Nam thành cường quốc về an ninh mạng.

Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu trong các lĩnh vực liên quan tới bảo mật, công nghệ.

Đáp ứng yêu cầu của Chuyên đề 1 về “Đảm bảo an toàn và an ninh mạng trong kỷ nguyên IoT”, ông Trần Công Quỳnh Lân đề cập đến vấn đề bảo vệ dữ liệu từ ngân hàng. Trong đó, đặc biệt cần chú ý tới thiết lập các lớp phòng thủ, thiết lập quy trình quản lý và kiểm soát, thành lập Security Operation Center (trung tâm ứng phó).

Bảo vệ dữ liệu từ ngân hàng, có việc thiết lập các lớp phòng thủ, thiết lập đa lớp bảo vệ dữ liệu, chống tấn công/thất thoát, xây dựng lớp phòng vệ, chống mã độc Malware, quản lý truy cập, hệ thống truy vết luồng luân chuyển dữ liệu và các chốt kiểm soát tại các cổng kết nối Internet.

Với bảo vệ dữ liệu trong quá trình truyền nhận, việc xác thực định danh khách hàng đang được quan tâm. Theo ông Lân, trong tương lai, các ngân hàng cần đến những cải tiến từ SMS OTP tới các giải pháp như Soft Token, Biometrics (xác nhận sinh trắc học)… Đặc biệt, nên có kênh second chanel authorization - xác nhận thực hiện qua kênh độc lập trước khi giao dịch được xác lập…

Ngoài vai trò bảo vệ dữ liệu của ngân hàng, khách hàng cũng cần có các hành động để bảo vệ dữ liệu. Trong đó có thể kể tới các giải pháp: Nâng cao hiểu biết về an toàn thông tin, cài đặt các ứng dụng bảo mật, nhận biết các hình thức lừa đảo và tự bảo vệ thông tin.

Chia sẻ của ông Trần Công Quỳnh Lân đã thu hút sự chú ý của đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện hội thảo, triển lãm quốc tế về Smart IoT với quy mô hơn 40 gian hàng, quy tụ sự tham gia của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới như ABB Việt Nam, Dell EMC, VNPT, Darktrace, LG Electronics, Viettel, MobiFone, ZTE, Điện Quang, BKAV, Nextfarm, BTS, Ericsson...

/**/

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/dam-bao-an-toan-va-an-ninh-mang-trong-ky-nguyen-iot-d135230.html