Đảm bảo công bằng cho người có công

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTB-XH) trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP nhân dịp cả nước đang hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTB-XH)

“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, tri ân những người đã đóng góp công sức, xương máu cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thông qua việc chăm sóc và đãi ngộ những người có công là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, làm cách nào để không bỏ sót những người có công thực sự, đảm bảo công bằng đồng thời xử lý những đối tượng lợi dụng kẽ hở chính sách để trục lợi cá nhân… Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTB-XH) nhân dịp cả nước đang hướng tới lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

° PHÓNG VIÊN: Thưa ông, hiện nay cả nước có bao nhiêu người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng?
° Ông NGUYỄN DUY KIÊN: Cả nước hiện có khoảng 9 triệu người có công với cách mạng thuộc diện hưởng chế độ ưu đãi, trong đó có hơn 1,4 triệu người hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong số 9 triệu đối tượng thì có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 127.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 2 triệu người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học...
° Thưa ông, làm cách nào để đảm bảo công bằng cho tất cả mọi đối tượng, những người có công với cách mạng, không để bị sót, có công mà không được hưởng đãi ngộ…
° Trên thực tế sau 5 năm Pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng được bổ sung sửa đổi vào năm 2012, đến nay chúng ta đã bổ sung và thực hiện hỗ trợ thêm rất nhiều đối tượng người có công. Trong đó, ngoài các đối tượng là bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân của các liệt sĩ…, hiện Nhà nước còn đang áp dụng chế độ trợ cấp hàng tháng cho hơn 65.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; có chế độ trợ cấp người phục vụ đối với gần 8.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống tại gia đình; khoảng 7.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; chế độ thờ cúng liệt sĩ đối với trên 410.000 người.
° Trên thực tế vẫn có nhiều người cho rằng họ có công với cách mạng mà chưa được hưởng, có người phải chạy nhiều nơi để xin thủ tục, xác nhận… Phải chăng đây là hạn chế, bất cập trong khi thực hiện chính sách hiện nay?
° Đúng là bên cạnh những kết quả đã làm được, vẫn có những bất cập trong các quy định về thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta vẫn chưa quy định chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bị địch bắt từ sau 30-4-1975. Khó khăn nhất là công tác xác nhận người có công với cách mạng vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đặc biệt là công tác khám giám định bệnh tật, xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; các đối tượng không còn giấy tờ gốc, người bị địch bắt, tù đày… chưa được giải quyết triệt để.
Việc xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vướng mắc. Trong thực tế, có một số trường hợp khi ban hành quyết định công nhận lại thiếu căn cứ xác định đối tượng hoạt động; hoặc điều kiện, tiêu chuẩn không đảm bảo, chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 31/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chế độ.
° Điều bức xúc nhất là tình trạng có một số đối tượng ở một vài địa phương trục lợi chính sách với người có công như không tham gia kháng chiến, không đóng góp cho cách mạng… nhưng vẫn làm hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp. Đã có tình trạng cán bộ làm công tác chính sách thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai sót… Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
° Công tác thanh tra, kiểm tra việc xác lập hồ sơ giải quyết chế độ trong những năm qua mặc dù đã được tăng cường, nhưng nhìn chung tình trạng khai man hồ sơ, xác nhận sai sự thật để hưởng chế độ vẫn diễn ra rất phổ biến, gây bức xúc trong dư luận, trong đó đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chiếm tỷ lệ lớn. Việc thi hành, xử lý các kết luận thanh tra còn gặp nhiều vướng mắc do đối tượng bị đình chỉ, cắt chế độ do sai phạm nhưng vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài, gây khó khăn cản trở hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Có nhiều trường hợp không có khả năng thu hồi số tiền đã hưởng sai chế độ do hoàn cảnh hiện nay thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đã chết hoặc đang bị bệnh hiểm nghèo…
° Vậy làm cách nào để khắc phục, thưa ông?
° Để thực hiện tốt chính sách đối với những người có công, theo tôi, việc đầu tiên cần làm hiện nay là phải tiếp tục rà soát lại các chính sách, văn bản pháp luật để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế hơn. Trong đó, Bộ LĐTB-XH và các bộ có liên quan đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thiện các văn bản pháp lý, thể chế hóa đầy đủ các quy định về xác nhận người có công; bổ sung đối tượng được xem xét xác nhận liệt sĩ, thương binh. Sửa đổi, bổ sung về quy trình xác nhận đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền của Đảng nhằm đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ. Theo đó, sẽ có quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan quản lý chức năng như Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính để đảm bảo phân công, phân nhiệm rõ ràng trong quản lý nhà nước, đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước thống nhất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công tác cải cách hành chính hiện nay. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giảm phiền hà cho đối tượng chính sách nhưng vẫn đảm bảo chính xác. Cùng với đó là sửa đổi một số quy định về thủ tục hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh và về công tác quản lý các chế độ, quản lý đối tượng.
Đặc biệt là sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên công tác xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công, phát hiện vi phạm đến đâu giải quyết dứt điểm đến đó, tập trung vào những đối tượng người có công còn tồn đọng. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm để tăng niềm tin, sự tôn vinh và biết ơn của xã hội đối với người có công.
° Xin cảm ơn ông! ª

PHÚC HẬU

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/dam-bao-cong-bang-cho-nguoi-co-cong-455896.html