Đảm bảo kết thúc xuống giống vụ đông xuân trong tháng 12

Là khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về lịch xuống giống cho vụ lúa đông xuân 2019.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương cần xuống giống nhanh, gọn, tập trung kết thúc trong tháng 12/2018. Ảnh: M.LÝ

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 1/11/2018 toàn tỉnh xuống giống được 48.829/205.000ha (đạt 23,8% kế hoạch), hiện lúa đang trong giai đoạn mạ. Diện tích xuống giống tập trung chủ yếu tại những khu vực sản xuất 3 vụ, ở những ô bao ăn chắc thuộc các khu vực của huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tân Hồng...

Dự kiến ở những khu vực sản xuất 3 vụ, đợt xuống giống thứ 2 sẽ bắt đầu từ ngày 22/11 – 2/12/2018 (từ ngày 16 – 26/10/2018 âm lịch). Đây là đợt xuống giống chủ lực của tỉnh.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên kết thúc xuống giống trong đợt này nhằm đảm bảo kế hoạch vụ hè thu và thu đông năm 2019 được an toàn.

Các huyện phía Nam, ngành cũng đề nghị nông dân chủ động gia cố bờ bao đề phòng các đợt triều cường sau xuống giống. Ước tính diện tích xuống giống trong đợt này khoảng 80.000 – 90.000ha.

Đối với những vùng sản xuất 2 vụ, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân xuống giống trong 2 đợt. Đợt 1 bắt đầu từ 22/11 – 2/12/2018 và đợt 2 bắt đầu từ ngày 20 – 31/12/2018. Nhằm hạn chế sự gây hại của muỗi hành, Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân không nên xuống giống trễ trong tháng 1/2019, bởi trong giai đoạn này là thời tiết rất thuận lợi cho dịch hại này phát triển.

Để bảo đảm sản xuất 3 vụ thu hoạch an toàn trước lũ, hạn chế nguy cơ bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá, muỗi hành gây hại, Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương trong tỉnh cần có kế hoạch tuyên truyền, vận động bơm rút nước xuống giống sớm vụ đông xuân 2018 – 2019.

Các địa phương cần xuống giống nhanh, gọn, tập trung, không để xảy ra nhiều trà lúa trên một cánh đồng, nhằm hạn chế tình trạng rầy di trú với mật số cao, đảm bảo xuống giống kết thúc trong tháng 12/2018.

Mỹ Lý

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/newsdetails/1d3fe190964/dam_bao_ket_thuc_xuong_giong_vu_dong_xuan_trong_thang_12.aspx