Đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, trước thời điểm này, nhiều người tiêu dùng tỏ ra lo lắng về việc nhiều mặt hàng sẽ tăng mạnh dịp cuối năm, đặc biệt là khi thuế bảo vệ môi trường xăng dầu chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, sẽ tác động không nhỏ đến các mặt hàng tiêu dùng khác.

Cuối năm giá tiêu dùng có tăng

Theo dự báo của Sở Công Thương Hà Nội, trong dịp Tết cổ truyền Kỷ Hợi 2019, nhu cầu tiêu thụ gạo sẽ tăng từ 5 đến 7% , thịt lợn tăng 18 - 20%, thịt bò tăng 15%, thịt gà tăng 20%, rau củ quả tăng 10 - 15%... Mặc dù nhu cầu tiêu dùng được dự báo tăng, tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp trên địa bản Thủ đô chỉ đáp ứng được khoảng 50 – 65% nhu cầu tiêu thụ của người dân trên địa bàn Hà Nội, đây là một trong những vấn đề khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng về việc giá thực phẩm sẽ tăng mạnh dịp tết Nguyên đán sắp tới.

Nhiều doanh nghiệp chủ động đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm dịp tết Nguyên đán 2019.

Nguồn cung thiếu, ảnh hưởng tác động thị trường, cùng với nhu cầu tiêu thụ mạnh của người dân dịp cận Tết…là một trong những nguyên nhân khiến giá cả tiêu dùng tăng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo ngại đó chính là việc làm sao để bình ổn giá và đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng trước những biến động của thị trường.

Anh Cao Ngọc Hà ở Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, sức mua của người tiêu dùng dịp cuối năm là rất lớn, vì thế, việc các mặt hàng tiêu dùng tăng giá dịp này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thời điểm năm nay có lẽ giá cả sẽ tăng mạnh hơn bởi tác động của thị trường xăng dầu.

Ngành công thương và các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ, hệ thống, trên 600 cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm.

Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 350 chuyến bán hàng lưu động, 10 phiên chợ hàng Việt tại các quận, huyện, thị xã và tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thủ đô nhằm phục vụ nhu cầu của người dân và người lao động.

“Tôi được biết, ngày 1/1/2019 tới đây, thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ chính thức có hiệu lực và đây cũng là thời điểm cuối năm. Liệu rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu có tác động đến giá tiêu dùng dịp cuối năm hay không?”, anh Hà nghi ngại.

Trước sự lo lắng của anh Hà và nhiều người tiêu dùng liên quan đến việc giá tiêu dùng sẽ tăng trong dịp cận Tết, đặc biệt là sự tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu lên các hàng hóa. Đại diện một số doanh nghiệp tiêu dùng đều cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên mức cao nhất vào dịp đầu năm 2019, dù ít hay nhiều, chắc chắn sẽ có tác động đến các mặt hàng tiêu dùng.

Anh Phạm Duy Khánh, đại diện Công ty Cổ phần Nông sản Thành An cho biết, thông thường vào dịp cuối năm không chỉ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tại Hà Nội mới tăng mạnh, mà hầu hết nhu cầu này ở các tỉnh, thành phố khác trên cả nước đều tăng.

Trong khi đó, nguồn cung cấp lại có hạn, do đó, giá thành dịp cuối năm thường cao hơn các thời điểm khác trong năm. Đặc biệt, năm nay giá bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu chính thức được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, đúng với thời điểm cận tết Nguyên đán 2019, do đó, việc giá thực phẩm tăng là điều khó tránh khỏi.

“Phí bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh tăng tối đa lên mức 4.000 đồng/lít, kéo theo đó chắc chắn giá các dịch vụ khác cũng sẽ phải điều chỉnh tăng theo như: Dịch vụ vận tải, hành khách…trong đó, giá thực phẩm cũng sẽ phải chịu tác động. Điều quan trọng nhất vẫn là các cơ quan Nhà nước sẽ đảm bảo việc điều tiết giá cả thực phẩm vào dịp cuối năm như thế nào, nếu đảm bảo nguồn cung cấp ổn định, giá thành sẽ được bình ổn”, anh Khánh nhấn mạnh.

Đảm bảo hàng hóa dịp cuối năm

Có thể nói, với những biến động của thị trường, sự lo lắng của người tiêu dùng khi cho rằng các mặt hàng nhu yếu phẩm cận Tết tăng giá là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, để người tiêu dùng được mua hàng đảm bảo chất lượng, đúng giá, cũng như chuẩn bị nguồn cung thực phẩm ổn định cho người dân Thủ đô dịp cận Tết, theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong kế hoạch triển khai công tác phục vụ tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp các doanh nghiệp triển khai dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với tổng giá trị hàng hóa phục vụ người dân dịp cuối năm đạt 28.500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018.

Theo đó, ngành công thương và các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ, hệ thống, trên 600 cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm. Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 350 chuyến bán hàng lưu động, 10 phiên chợ hàng Việt tại các quận, huyện, thị xã và tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thủ đô nhằm phục vụ nhu cầu của người dân và người lao động.

Cùng với việc triển khai các chương trình bình ổn giá, phối hợp với các doanh nghiệp trong việc tăng cường dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng dịp cuối năm, theo đại diện Sở Công Thương, thời gian qua thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước…Qua đó, các doanh nghiệp đã thực hiện ký kết trên 400 biên bản ghi nhớ, hợp tác nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường Hà Nội.

Bên cạnh đó, hiện nhiều doanh nghiệp cũng đã có kế hoạch chủ động triển khai dự trữ để đảm bảo lượng hàng hóa, nhất là với những nhóm hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh cung ứng cho thị trường trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. Ngoài ra, theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện công tác phối hợp với các đơn vị, ban ngành nhằm theo dõi sát diễn biến cung – cầu thị trường cũng được đẩy mạnh. Qua đó, không chỉ chủ động đảm bảo nguồn cung, giá cả thị trường, mà còn giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dam-bao-nguon-cung-cho-nguoi-tieu-dung-82113.html