Đảm bảo nguồn cung hàng hóa bình ổn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

Nhiều giải pháp đang được Sở Công thương triển khai nhằm bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường trong những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Dương Đức Đằng, Giám đốc Sở Công thương về vấn đề này.

Khách hàng mua hàng tại siêu thị GO. Ảnh: Anh Tuấn

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024?

Đồng chí Dương Đức Đằng: Hiện nay, công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực luôn được UBND tỉnh quan tâm và chỉ đạo Sở Công Thương tập trung thực hiện.

Như thường kỳ, nhằm bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân vào dịp cuối năm, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương và doanh nghiệp đầu mối để triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Theo đó, yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa; triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...

Đến thời điểm này, thực hiện Kế hoạch triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã thực hiện đánh giá tình hình dự trữ hàng hóa Tết, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối về việc thực hiện phương án đảm bảo hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán.

Cùng với đó, Sở Công Thương đang triển khai Đề án hỗ trợ bình ổn giá thị trường hàng hóa tỉnh Ninh Bình dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhằm hạn chế những diễn biến bất thường của thị trường, như khan hiếm hàng hóa, sốt giá cục bộ trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của Nhân dân, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

PV: Đồng chí đánh giá thế nào về tình hình biến động của giá cả các mặt hàng thiết yếu thời gian qua và xu hướng biến động trong thời gian tới?

Đồng chí Dương Đức Đằng: Dự báo tình hình thị trường giá cả hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh tiếp tục chịu tác động ảnh hưởng của thị trường thế giới và trong nước, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí đốt, vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm… Tuy nhiên, giá cả hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh sẽ không có biến động bất thường.

Các cửa hàng, chợ, siêu thị mở cửa xuyên các dịp lễ và mở cửa trở lại sớm sau Tết nên nhu cầu dự báo không tăng đột biến. Giá cả dịp cuối năm được dự báo tăng theo quy luật thị trường, song, giá không tăng cao và bất thường... Các doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường luôn cam kết bán giá ổn định, hoặc thấp hơn thị trường từ 5-10%.

Dự báo sức mua hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng khoảng 10% so với Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Với tập quán tiêu dùng truyền thống của dân tộc, trong dịp Tết, nhu cầu của Nhân dân tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: Lương thực, thực phẩm tươi sống (gạo tẻ, gạo nếp, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thịt dê, cá tươi, hải sản….); thực phẩm chế biến (giò, chả, nem...); thực phẩm công nghệ (bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước ngọt, đường, sữa, dầu ăn…); hàng may mặc, giầy dép, nhiên liệu (xăng, dầu, chất đốt…); hàng điện tử, đồ dùng gia đình và một số mặt hàng nông sản như rau, củ, quả các loại…

Trong đó, đối với nhóm hàng thực phẩm, hiện nay xu hướng Nhân dân chỉ mua tích trữ để tiêu dùng với số lượng vừa đủ trong khoảng vài ngày Tết. Sức mua sẽ tập trung cao những ngày giáp Tết Nguyên đán (từ 27 đến 30 tháng Chạp) và những ngày sau Tết (từ mùng ba đến rằm tháng Giêng).

Bên cạnh xu hướng tiêu dùng hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ trên địa bàn tỉnh, nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân sẽ tăng thêm đối với hàng thực phẩm chế biến sẵn của các cơ sở sản xuất có uy tín và trong các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn. Đối với nhóm hàng thực phẩm công nghệ, nhu cầu tiêu dùng sẽ tập trung vào các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao (bánh kẹo các loại), có mẫu mã, bao bì đẹp và hàng đồ uống có độ cồn thấp (Bia, rượu vang, nước ngọt, sữa chế biến…); sức mua tập trung nhiều hơn trong khoảng thời gian từ khoảng ngày 12 đến 30 tháng Chạp. Nhu cầu tiêu dùng các loại hoa tươi, quả tươi cũng sẽ tăng cả ở khu vực đô thị cũng như thị trường nông thôn.

Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại của Nhân dân dự báo sẽ tăng cao hơn từ ngày 18 tháng Chạp đến rằm tháng Giêng. Nhu cầu mua sắm các sản phẩm điện tử, điện lạnh, đồ dùng gia đình (ti vi, loa đài, tủ lạnh và các thiết bị nhà bếp và đồ trang trí nhà cửa…) cũng tăng cao hơn vào dịp gần Tết Nguyên đán.

Người dân mua sắm hàng Tết tại cửa hàng trên địa bàn thành phố Ninh Bình. Ảnh: Anh Tuấn

PV: Thưa đồng chí, Sở Công Thương sẽ triển khai những giải pháp nào để đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ, chất lượng, bình ổn giá trong thời gian tới?

Đồng chí Dương Đức Đằng: Để góp phần bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường trong những tháng cuối năm, Sở Công Thương sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp như sau:

Tăng cường theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa; đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua để có phương án hoặc biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Tổ chức tốt các nhiệm vụ, hoạt động, biện pháp cân đối, bình ổn và phát triển thị trường thương mại của tỉnh, bao gồm: Các hoạt động kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết; phối hợp với các tỉnh, thành phố khác triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, áp dụng các phương thức mới (trực tuyến, sàn đấu giá điện tử,...) để giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền của tỉnh Ninh Bình, kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết cho Nhân dân.

Tập trung thực hiện Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2023, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp, kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng. Tích cực triển khai các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho Nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và đặc biệt chú trọng công tác cung ứng hàng hóa cho các vùng và đối tượng gặp khó khăn với số lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.

Đôn đốc các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng; có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, các phương thức bán hàng lưu động... để cung ứng hàng hóa bình ổn đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.

Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh dự trữ, có phương án đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tăng cường kiểm soát chất lượng đo lường trong hệ thống, tránh gian lận trong kinh doanh xăng dầu; thực hiện nghiêm túc các quy định về thời gian bán hàng tại các điểm bán lẻ xăng dầu và bảo đảm công tác an toàn phòng chống cháy nổ.

Ngoài ra, vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Sở Công Thương phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm hàng hóa, niêm yết giá bán…

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Thơm (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dam-bao-nguon-cung-hang-hoa-binh-on-dip-cuoi-nam-va-tet/d20240111161618209.htm