Đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho sản xuất điện 2020

Năm 2019, nguồn cung nhiên liệu của ngành điện được nhận định không ổn định bởi việc thiếu than và khí đốt làm giảm công suất sản xuất và ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp. Trong năm 2020, để đảm bảo nguồn cung, các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng ngành này phải nhập khẩu than, đồng thời sớm có cơ chế mới về giá điện mặt trời nhằm khuyến khích nhà đầu tư.

Theo đánh giá của Công ty CP chứng khoán SSI, năm 2019, việc không ổn định nguồn cung do thiếu than và khí đốt đã làm giảm công suất, sản lượng của nhiều nhà máy điện. Cũng vì thế mà năm qua ngành điện chỉ tăng nhẹ 1,5% về vốn hóa thị trường, thấp hơn mức tăng 7,7% của VN-Index. Tăng trưởng thấp hơn chủ yếu do một số cổ phiếu đầu ngành như Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (POW) với việc giảm 26,6% và Tổng công ty Phát điện 3 (PGV) với mức giảm 10,3%. Trong khi đó, chỉ 2 doanh nghiệp này đã chiếm 39% về vốn hóa thị trường. Một cổ phiếu quan trọng khác là Công ty CP điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) cũng bị giảm giá cổ phiếu 12,0% do lo ngại về đàm phán lại Hợp đồng mua bán điện (PPA) và nguồn cung nhiên liệu giảm. Năm 2019, nguồn cung khí cho NT2 giảm xuống 2,6 triệu m3/ngày, so với nhu cầu là 3,1 triệu m3/ngày.

Ảnh minh họa

Cũng theo SSI, do El Nino tác động nên sản lượng từ các nhà máy thủy điện năm qua đã giảm. Cụ thể, sản lượng thủy điện là 58,2 tỷ Kwh, giảm 19,08%. Chính vì nguồn cung than khan hiếm nên Nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung than mặc dù có hợp đồng dài hạn với Vinacomin (tuy nhiên sản lượng cam kết cung cấp chỉ đạt 70-80%).

Theo Vinacomin, tổng nguồn cung than trong nước năm 2019 ước tính đạt 47 triệu tấn, giảm 9 triệu tấn so với năm 2018. Trong khi đó, than nhập khẩu năm 2019 đạt gần 42 triệu tấn, tăng gấp đôi so với năm 2018. Và Vinacomin đã tăng 9% giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện lên 1,8 triệu đồng /tấn trong 2019.

Bên cạnh đó, nguồn cung khí đốt cũng bị sụt giảm. Theo EVN, tại khu vực Đông Nam bộ, nguồn cung khí đã giảm từ 20 triệu m3/ngày xuống 16,5 triệu m3/ngày. Các nhà máy khí đốt phải chạy bằng dầu DO vào mùa cao điểm, như Nhơn Trạch 1 (108,11 triệu kwh) và Nhơn Trạch 2 (5,87 triệu kWh). Các nhà máy điện Cà Mau cũng đang đối phó với tình trạng thiếu khí ở mỏ PM3-CAA 7 Cái Nước và cơ chế giá khí tăng từ mức 46%MFO lên 90%MFO từ tháng 10/2019.

Nhìn về triển vọng thị trường 2020, nhiều ý kiến nhận định nhiều khả năng ngành điện phải tăng nhập khẩu than để đảm bảo nguồn cung. Hiện tại, các nhà máy nhiệt điện than đã được cho phép tự nhập khẩu than và sẽ được hưởng lợi từ xu hướng giá thấp hơn nếu có loại than tương thích không gây ra các vấn đề phụ như nguy cơ gián đoạn sản xuất. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những vấn đề khác như nếu giá nhập khẩu cao hơn giá trong nước do Vinacomin và Đông Bắc cung cấp. Trong trường hợp này, không có chính sách rõ ràng nào cho việc chuyển phần tăng giá qua hợp đồng PPA. Thứ hai, nếu thủ tục nhập khẩu kéo dài, đặc biệt là khi các nhà máy điện lần đầu phải tự nhập khẩu, điều này có thể gây hậu quả và ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của nhà máy.

Đối với thủy điện, nhiều khả năng sản lượng sản xuất giảm, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm 2020. Bởi lẽ theo Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), xác suất 30% đối với El Nino và 50-65% đối với điều kiện thời tiết trung lập trong 3-6 tháng tới. Lượng mưa thấp do El Nino vào năm 2019 sẽ hạn chế công suất sản xuất của các nhà máy thủy điện trong ít nhất 6 tháng năm 2020.

Về điện mặt trời, do năm 2019 ngành điện chứng kiến sự bùng nổ của việc đầu tư vào điện mặt trời nhưng lĩnh vực này lại đang vướng chính sách giá khi đang phải chờ cơ chế giá mới.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dam-bao-nguon-cung-nhien-lieu-cho-san-xuat-dien-2020-132216.html