Đảm bảo quyền lợi cao nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngay khi Chương trình mục tiêu Quốc gia 1719 được triển khai, các cấp MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã khẩn trương vào cuộc phát huy vai trò giám sát trong thực hiện các kế hoạch, dự án thành phần của Chương trình. Xung quanh vấn đề này, ông Vũ Văn Bằng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết.

Ông Vũ Văn Bằng.

Ông Vũ Văn Bằng.

PV: Thưa ông, Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã phát huy vai trò giám sát của mình như thế nào để nâng cao hiệu quả Chương trình?

Ông Vũ Văn Bằng: Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG 1719, năm 2022 là năm đầu tiên tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện Chương trình này. UBND tỉnh xây dựng những mục tiêu và chia nội dung cụ thể với 7 dự án thành phần để thực hiện; xây dựng Kế hoạch thực hiện, tạo điều kiện giúp đồng bào DTTS và miền núi phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần từng bước giảm nghèo bền vững.

Để phát huy vai trò giám sát khi thực hiện Chương trình, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch số 212/KH-MTTQ-BTT, giám sát việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát tại UBND các xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS và miền núi và tổ chức giám sát bằng văn bản đối với Ban Dân tộc tỉnh và UBND huyện Tam Đảo.

Tỉnh còn tổ chức tuyên truyền Chương trình MTQG 1719 dưới nhiều hình thức như: Hội nghị quán triệt, sinh hoạt chi bộ, đoàn thể trên hệ thống truyền thanh của xã, tổ dân phố... Đồng thời phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện, nhằm đảm bảo việc thực thi các chính sách đúng thủ tục, đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định, góp phần ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Trong đó, nổi bật là huyện Tam Đảo đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến cho 1.200 lượt người là cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở, người có uy tín và đồng bào vùng DTTS về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới; về những tác hại, hệ lụy của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, quyền của phụ nữ và trẻ em, hướng dẫn về công tác chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, đặc biệt là đồng bào DTTS...

Công tác chăm sóc, giáo dục cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được quan tâm đầu tư. Ảnh: Văn Dân.

Công tác chăm sóc, giáo dục cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được quan tâm đầu tư. Ảnh: Văn Dân.

Qua công tác triển khai giám sát, ông có thể nhận định bước đầu về hiệu quả của Chương trình MTQG 1719 mà tỉnh đang thực hiện?

- Chương trình MTQG 1719 đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc nên việc thực hiện Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi nói riêng và của tỉnh nói chung. Bản thân các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã khẩn trương vào cuộc, kiện toàn tổ chức bộ máy chỉ đạo, bộ phận giúp việc, tổ chức quán triệt, ban hành các văn bản triển khai các chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong thực hiện các dự án thành phần. Đến nay, hầu hết các lĩnh vực, nội dung của Chương trình cơ bản đạt và vượt so với yêu cầu. Chỉ còn một số ít chỉ tiêu chưa đạt cần tiếp tục thực hiện để hoàn thành mục tiêu trong thời gian tới.

Qua việc thực hiện Chương trình MTQG 1719, những khó khăn trong các hoạt động giám sát mà tỉnh Vĩnh Phúc gặp phải là gì, thưa ông?

- Mặc dù nhìn chung các đơn vị đã triển khai tích cực, song ở một số địa phương, vai trò của cấp ủy, chính quyền còn chưa thường xuyên, sâu sát. Công tác tuyên truyền về Chương trình ở một số địa phương còn mang tính hình thức, một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về công tác dân tộc. Bên cạnh đó, kết quả vận động đồng bào DTTS còn hạn chế, chưa thực sự phát huy thế mạnh nội lực, nhất là ý thức tự lực vươn lên vượt khó của chính đồng bào DTTS trong việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Việc rà soát các đối tượng thụ hưởng và xác định nhu cầu, nguồn lực để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 946/QĐ của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đối với các nhóm chính sách còn chưa cụ thể, dẫn đến một số chương trình, dự án ở một số địa phương còn triển khai chậm.

Ngoài ra, một số nội dung trong thực hiện Chương trình MTQG 1719 như: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất còn khó khăn do thiếu quỹ đất, công tác chuyển đổi số còn chậm chưa đạt yêu cầu kế hoạch đề ra. Các dự án, tiểu dự án của Chương trình rất đa dạng về nội dung, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực trong khi đó công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình chưa thật sự chủ động, chặt chẽ, chưa bám sát các nhiệm vụ theo yêu cầu, còn nhiều lúng túng về phương pháp và cách thức triển khai...

Công tác giám sát Chương trình MTQG 1719 trong thời gian tới cần có những đổi mới thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, thưa ông?

- Cần tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tăng cường tuyên truyền và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc thực hiện Chương trình MTQG đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tạo được sự thống nhất của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719. Kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý tồn tại, hạn chế; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai, thực hiện. Bên cạnh đó, MTTQ cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan; tổ chức giám sát dưới nhiều hình thức, phù hợp với thực tiễn địa phương, đảm bảo thực chất, hiệu quả, chọn nội dung giám sát bảo đảm trọng tâm, trọng điểm…

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Phượng (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dam-bao-quyen-loi-cao-nhat-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-5725241.html