Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT qua thời điểm khó khăn do dịch Covid-19

Đầu năm 2020, công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình dịch Covid-19. BHXH Việt Nam đang trong quá trình xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ BHXH dưới tác động của dịch

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong các tháng đầu năm 2020, công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình dịch Covid-19 và tiếp tục chịu ảnh hưởng nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài.

Để giảm thiểu khó khăn cho DN, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 11 ngày 4/3/2020 cho phép tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12/2020- điều này đồng nghĩa với việc số thu BHXH, BHYT năm 2020 sẽ giảm đáng kể.

Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT qua thời điểm khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Quang Hùng

Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT qua thời điểm khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Quang Hùng

Cụ thể, theo báo cáo của Ban Thu, đến ngày 30/4/2020, có 44 BHXH tỉnh, thành phố đã nhận được hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất. Theo đó, có 745 đơn vị đã được phê duyệt hồ sơ tạm dừng đóng, tương ứng với 68.359 lao động và số tiền ước khoảng 259 tỷ đồng. Con số này đã gia tăng rất nhanh so với nửa tháng trước đó- vào thời điểm 15/4/2020, thời điểm toàn quốc mới có 173 đơn vị thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 20.908 lao động với số tiền trên 91,08 tỷ đồng.

Đặc biệt, việc phát triển đối tượng tham gia và tăng số thu BHXH, BHYT đã hiện hữu khó khăn, với những con số đáng lo ngại. Theo tính toán, trong điều kiện bình thường, hằng năm số lao động tham gia BHXH sẽ phát triển tăng thêm khoảng từ 5-6% so với năm trước liền kề. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2020, số người tham gia BHXH bắt buộc đã giảm 780.000 người trong số 15,199 triệu người tham gia tại thời điểm 31/12/2019.

Tính đến hết tháng 4/2020, một số tỉnh có số người tham gia BHYT giảm so với năm 2019 và vẫn chưa có dấu hiệu tăng lại, như: TP.HCM giảm 210.488 người; Đồng Nai giảm 93.052 người; Bình Dương giảm 49.851 người; Sóc Trăng giảm 56.674 người…

Nguyên nhân dẫn tới sụt giảm là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến các DN gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, nhiều người lao động mất việc làm hoặc nghỉ tạm thời, thu nhập người dân giảm do dịch bệnh nên không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Trong khi đó, số chi trong năm 2020 cũng có sự gia tăng ở một số lĩnh vực. Trong thời gian qua, tỷ lệ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại các Trung tâm DVVL đã tăng rất nhanh. Tính đến hết tháng 4/2020, đã có 202.395 người được giải quyết trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi trả 679,5 tỷ đồng, dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tiếp theo.

Riêng với số chi KCB BHYT, theo tính toán của Ban Thực hiện chính sách BHYT và Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT, chi phí KCB BHYT năm 2020 cũng không giảm so với năm 2019. Mặc dù số lượt KCB BHYT trên cả nước trong những tháng đầu năm có xu hướng giảm nhẹ do thực hiện cách ly xã hội, nhưng tổng chi phí KCB BHYT quý I/2020 vẫn tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương trên 536 tỷ đồng, chủ yếu gia tăng chi phí KCB nội trú). Dự báo, sau thời gian thực hiện cách ly xã hội, số lượt KCB BHYT sẽ dần tăng trở lại theo mức độ hằng năm…

Trước tình hình đó, BHXH Việt Nam đang trong quá trình xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH dưới tác động của dịch Covid-19.

Dự kiến, sẽ có 2 kịch bản được xây dựng theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó có việc dự báo tình hình thực hiện nhiệm vụ của Ngành năm 2020 và giải pháp khắc phục. Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã tính đến trường hợp khó khăn nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ, khi số thu giảm, trong khi chi BHXH, BH thất nghiệp và KCB BHYT tăng vượt dự toán.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh khẳng định, dù với kịch bản nào, thì tinh thần chung của BHXH Việt Nam là phải nỗ lực đạt được các chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện đã đặt ra cho năm 2020. Đồng thời, phải ưu tiên cho việc bố trí kinh phí để đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT; tháo gỡ khó khăn cho DN cũng như thực hiện tiết kiệm, giảm chi phí hoạt động của Ngành phù hợp với tình hình thực tế theo định hướng chung của Chính phủ…

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN với chủ đề Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế diễn ra sáng 9/5, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã và đang làm rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh, từng bước tiến tới việc thiết lập trạng thái bình thường mới trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu. Để vực dậy nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam dành mọi nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng DN giữ vững sản xuất, phục hồi giao thương, đảm bảo cuộc sống cho người dân, NLĐ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN đã cùng Chính phủ chung tay vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại. Thủ tướng cho biết, các đại biểu trong nước và quốc tế cũng đều đánh giá cao công tác chỉ đạo chống dịch Covid-19 thành công ở Việt Nam.

Chúng ta đang ở thời khắc mang tính bước ngoặt bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đại dịch có thể khiến kinh tế-xã hội đất nước bị ngưng trệ, nhưng từ đó cũng mở ra nhiều cơ hội nếu chúng ta thực sự biết nắm bắt, tạo lối mở cho nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành phải xắn tay vào cuộc; các địa phương phải tháo gỡ khó khăn cho DN để phục hồi nền kinh tế, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cần hun đúc tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới, phát triển.

PV

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/bao-hiem-xa-hoi/dam-bao-quyen-loi-cho-nguoi-tham-gia-bhxh-bhyt-qua-thoi-diem-kho-khan-do-dich-covid-19-62519.html