Đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng

Ưu tiên kiểm nghiệm mẫu bánh trung thu, trả nhanh kết quả và nếu kết quả không đạt yêu cầu dừng lưu thông ngay, tránh tình trạng sau trung thu mới có công bố sai phạm… là quan điểm chỉ đạo quyết liệt của ngành Y tế Hà Nội trong việc bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa bánh trung thu năm nay.

Mua bánh bằng…niềm tin

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến tết Trung thu. Bên cạnh các loại bánh truyền thống có thương hiệu, thị trường bánh trung thu năm nay đặc biệt sôi động với những chiếc bánh “handmade” (tự làm). Theo khảo sát của phóng viên báo Lao động Thủ đô, thị trường bánh trung thu “handmade” năm nay rất đa dạng chủng loại, kiểu dáng, màu sắc cho tới giá cả. Mỗi chiếc bánh có trọng lượng 100 gram, có giá từ 15.000 đồng đến 50.000 đồng/chiếc; bánh có trọng lượng 150-200 gram có giá từ 25.000 đồng đến 80.000 đồng/chiếc, tùy loại nhân. Và hiện nay bánh “handmade” ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng vì việc mua bán qua mạng xã hội rất nhanh và tiện lợi.

Tuy nhiên, theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, bên cạnh những tiện ích, việc mua thực phẩm sạch online nói chung và bánh trung thu “handmade” nói riêng hiện vẫn chỉ bằng... niềm tin. Bởi trên thực tế, các trang website, mạng xã hội bán thực phẩm sạch của các cá nhân hầu hết không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hay giấy kiểm nghiệm chất lượng, nguồn gốc thực phẩm từ các cơ quan chức năng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương.

Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng: Sở dĩ bánh trung thu “handmade” được khách hàng ngày càng ưa chuộng là vì người bán luôn nhấn mạnh độ an toàn của sản phẩm tự mình làm ra như: Bánh làm từ nguyên liệu sạch và làm đến đâu bán hết tới đó, bảo đảm tươi ngon, không chứa chất bảo quản, không có chất phụ gia, hóa chất độc hại…

Song, trên thực tế, những người tự làm bánh để bán hay chính những người làm bánh để sử dụng trong gia đình sẽ áp dụng làm vỏ bánh, còn mua nhân bánh bán sẵn trên thị trường. Bởi muốn làm nhân bánh ngon, cầu kỳ, nhiều vị phải tốn rất nhiều thời gian và công sức. Với những loại nhân này, không ai biết được nguồn gốc, xuất xứ của nó ở đâu… như vậy người tiêu dùng sẽ thiệt. Do vậy, người tiêu dùng không nên mua bánh trung thu “handmade” một cách tùy tiện; nên mua bánh của người thân thiết, biết rõ nguồn gốc sản phẩm.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng cảnh báo hiện nay, trên thị trường đang có bánh Trung thu trứng chảy, tuy nhiên nguồn gốc sản phẩm còn chưa rõ ràng. Cụ thể, vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 13 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội 6 Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội đã phát hiện và thu giữ 4.440 bánh trung thu trứng chảy mang nhãn mác Trung Quốc không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Qua tìm hiểu, giá bán ra thị trường loại bánh này dao động từ 150.000 – 250.000 đồng/hộp, nhưng giá nhập chỉ rẻ bằng 1/3 giá đăng bán. Bởi vậy, với những loại sản phẩm quá rẻ, mà không rõ nguồn gốc xuất xứ thì người tiêu dùng cũng cần thận trọng.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, cần phải có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao những cơ sở bán hàng online trên mạng xã hội. Đồng thời, kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu, thực phẩm đầu vào, đây là vấn đề lo lắng nhất trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm hiện nay. “Tuy nhiên, trước nay vấn đề quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm trên mạng vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Bởi cơ quan quản lý khó trích xuất các máy chủ bán hàng. Muốn đi thanh, kiểm tra cũng khó bởi đây đều là kinh doanh trên mạng…”, ông Trần Ngọc Tụ cho biết thêm.

Siết chặt quản lý

Đối với công tác an toàn thực phẩm trong dịp tết Trung thu năm 2019, thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố Hà Nội cũng có kế hoạch triển khai tới các quận, huyện và đơn vị trên địa bàn. Đồng thời, Hà Nội thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm thành phố.

Cụ thể, đoàn 1 do lãnh đạo Sở Y tế làm Trưởng đoàn; Đoàn 2 do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn; Đoàn 3 do lãnh đạo Sở Công Thương làm Trưởng đoàn. Còn tại cấp quận, huyện, thị xã và cấp xã, phường, thị trấn thành lập các đoàn kiểm tra theo phân cấp.

Trước thực trạng trên, chia sẻ về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trước mùa trung thu, ông Trần Văn Chung, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trưởng đoàn Thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Thành phố cho biết: Đối với công tác an toàn thực phẩm trong dịp tết Trung thu năm 2019, thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hà Nội cũng có kế hoạch triển khai tới các quận, huyện và đơn vị trên địa bàn. Đồng thời, Hà Nội thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm thành phố. Cụ thể, đoàn 1 do lãnh đạo Sở Y tế làm Trưởng đoàn; Đoàn 2 do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn; Đoàn 3 do lãnh đạo Sở Công Thương làm Trưởng đoàn. Còn tại cấp quận, huyện, thị xã và cấp xã, phường, thị trấn thành lập các đoàn kiểm tra theo phân cấp.

Qua những buổi thanh, kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc tích cực và chủ động của các quận, huyện về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Đơn cử vừa qua Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm số 1 đã có buổi làm việc với quận Tây Hồ về công tác triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

Theo báo cáo của đại diện quận Tây Hồ, toàn quận có 1.615 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Trong đó quản lý của ngành Y tế: 765 cơ sở; Công Thương: 480 cơ sở; Nông nghiệp và phát triển nông thôn: 370 cơ sở. Ngoài ra, tỷ lệ các cơ sở ký cam kết, cấp giấy chứng nhận toàn quận đạt 97%. Riền đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu tập trung, người dân kinh doanh về vấn đề an toàn thực phẩm đã được nâng cao.

Trong 8 tháng đầu năm, quận Tây Hồ không để xảy ra vụ ngộ độc tập thể. Cùng với đó là triển khai các chương trình, dự án, đề án để nâng cao nhận thức của chính người dân cũng như ngăn ngừa các trường hợp xấu xảy ra về ngộ độc an toàn thực phẩm. Cụ thể như: Chương trình truyền thôn an toàn thực phẩm quận Tây Hồ giai đoạn 2015 – 2020; Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội; Điểm chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn có sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Xây dựng và duy trì tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại tuyến phố Tô Ngọc Vân (Quảng An) – Trích Sài (Bưởi, Thụy Khuê)… Bên cạnh đó, quận cũng đã triển khai thí điểm về công tác thanh tra tại quận và 8 phường trên địa bàn.

Đặc biệt, cũng trong buổi làm việc cùng ngày tại quận Tây Hồ, đoàn kiểm tra đã đi kiểm tra ngẫu nhiên tại 1 cơ sở bánh trung thu Bảo Phương (Thụy Khuê). Qua kiểm tra từ khâu nhập nguyên liệu cho đến chế biến, bảo quản bánh trung thu, đoàn kiểm tra ghi nhận cơ sở đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Chung, từ nay tới tết Trung thu sẽ có nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu mới đưa vào sử dụng sản xuất phục vụ người tiêu dùng. Bởi vậy, để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm thì các phường xã, và quận huyện cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, nhất là công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phụ gia… để làm bánh trung thu. Bên cạnh đó, tuyên truyền để người tiêu dùng mua và sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã làm thủ tục tự công bố, bày bán ở nơi bảo đảm vệ sinh, nhằm bảo đảm sức khỏe cho chính bản thân cũng như người thân trong gia đình.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dam-bao-quyen-loi-va-suc-khoe-nguoi-tieu-dung-95735.html