Đảm bảo quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ tại Việt Nam

Ngày 24-9, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo 'Đảm bảo quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ tại Việt Nam'. Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Chương trình 'Tăng cường pháp luật và tư pháp' tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh châu Âu tài trợ với đóng góp tài chính từ UNDP, UNICEF.

Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ là công ước nhân quyền cơ bản của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã ký tham gia vào ngày 29-7-1980 và phê chuẩn vào ngày 27-11-1981. Trong những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các quy định của Công ước CEDAW và đảm bảo việc báo cáo định kỳ tình hình thực hiện Công ước đối với Liên hợp quốc. Năm 2019, Ủy ban CEDAW của Liên hợp quốc yêu cầu Việt Nam thực hiện báo cáo quốc gia định kỳ lần thứ 9 và đặc biệt khuyến nghị về việc tăng cường quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ phù hợp với quy định của Công ước CEDAW.

 Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam về cơ bản đã phù hợp với quy định của Công ước CEDAW và ngày càng được hoàn thiện. Sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, một loạt các văn bản pháp luật quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Trợ giúp pháp lý... Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện trên thực tế các quy định này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó đáng chú ý là những khó khăn về nguồn lực, năng lực thực thi của hệ thống bao gồm cả hệ thống hành chính, hệ thống tư pháp, các cơ chế, thiết chế bổ trợ tư pháp và định kiến về vấn đề giới trong xã hội.

Hội thảo nhằm mục đích tham vấn, lắng nghe ý kiến của các đại biểu đối với dự thảo Báo cáo nghiên cứu về quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ theo quy định của Công ước CEDAW, đặc biệt là các ý kiến đóng góp về giải pháp để giải quyết căn cơ những tồn tại, thách thức đối với quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ nói riêng và quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ nói chung. Các ý kiến đóng góp của đại biểu cho dự thảo Báo cáo sẽ góp phần chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện, phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ 9 về tình hình thực hiện Công ước CEDAW tại Việt Nam.

Tin, ảnh: BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/dam-bao-quyen-tiep-can-tu-phap-cua-phu-nu-tai-viet-nam-591863