'Đảm bảo triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ người lao động mất việc do dịch Covid-19'

Việc triển khai các gói hỗ trợ người lao động phải nghỉ việc, giãn việc do hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ bởi dịch Covid-19 đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người lao động trong tỉnh. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Sơn (ảnh), Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về công tác triển khai các gói hỗ trợ người lao động của Trung ương và địa phương.

Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh

Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh

- Xin ông cho biết các chính sách hỗ trợ người lao động phải nghỉ việc, giãn việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang được triển khai hiện nay?

+ Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, HTX, khiến nhiều người lao động bị mất việc làm.

Vì vậy, ngày 9/4/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, Chính phủ sẽ dành 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, bị mất việc, thiếu việc làm và không đảm bảo mức sống tối thiểu do ảnh hưởng bởi đại dịch, đồng thời hỗ trợ thêm một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch.

Về phía tỉnh Quảng Ninh, ngày 31/3/2020 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đối tượng người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có hộ khẩu thường trú trên địa bàn Quảng Ninh bị mất việc làm và viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh được giao tự chủ 100% về tài chính phải nghỉ việc không hưởng lương, sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo thời gian thực tế người lao động bị mất việc, nhưng tối đa không quá 3 tháng, kể từ tháng 4/2020.

- Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Sở LĐ-TBXH đã và đang tham mưu cho tỉnh triển khai công tác rà soát các đối tượng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ra sao, thưa ông?

+ Ngay sau khi các nghị quyết trên có hiệu lực, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện. Đồng thời, bám sát chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng đang được Sở khẩn trương triển khai.

Theo đó, các nhóm đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ đã được Sở phân loại, đề nghị các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát, thống kê, tổng hợp, báo cáo về Sở.

Cụ thể, đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do Ban Quản lý Khu kinh tế và UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp.

Đối với hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020 do UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp (trên cơ sở báo cáo của các chi cục thuế).

Đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp do cơ quan BHXH báo cáo. Đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động do UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo (trên cơ sở kết quả rà soát của UBND cấp xã)...

Căn cứ kết quả rà soát, Sở sẽ xây dựng dự toán kinh phí, cũng như xây dựng các phương án cụ thể để thực hiện hỗ trợ cho người dân đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

- Là chính sách chưa có tiền lệ, nên việc thực hiện sẽ không tránh khỏi khó khăn, vậy Sở LĐ-TB&XH đã triển khai biện pháp gì để việc hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, trong thời gian sớm nhất, thưa ông?

+ Để thực hiện hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH đã và đang huy động toàn lực, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, để khẩn trương triển khai. Ngay sau khi có hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao nhất, góp phần hỗ trợ khó khăn của nhân dân, người lao động trên địa bàn tỉnh trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch, cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan.

Đặc biệt là sự tham gia giám sát của HĐND các cấp, nhất là cấp cơ sở, các cơ quan đoàn thể, MTTQ các cấp và của chính từng người dân trên địa bàn. Với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, đáp ứng kịp thời mong mỏi của hàng vạn lao động đang đối mặt với khó khăn trong cuộc sống trên địa bàn tỉnh.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Chiến (thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/dichbenhncov/202004/dam-bao-trien-khai-hieu-qua-cac-goi-ho-tro-nguoi-lao-dong-mat-viec-do-dich-covid-19-2479742/