Đảm bảo tuyển đủ giáo viên phục vụ cho đổi mới giáo dục

Ban Tuyên giáo Trung ương vừa ban hành Văn bản số 111-HD/BTGTW hướng dẫn công tác khoa giáo năm 2020. Theo đó, trong năm 2020, các địa phương chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong đó ưu tiên một số nội dung chủ yếu sau:

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 05CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội nhằm giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện; trau dồi lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống tốt đẹp, giáo dục tình yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tích cực, lành mạnh, giáo dục các kỹ năng sống cho trẻ.

Củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, nhất là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi. Thực hiện tốt chủ trương giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch, sắp xếp hệ thống giáo dục gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. sắp xếp hợp lý các cơ sở đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Nghiên cứu chuyển đổi mô hình trường trung học phổ thông chuyên, trường dự bị đại học và trường phổ thông dân tộc nội trú phù hợp với điêu kiện mới, từng bước bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong giáo dục ở các địa phương có các loại hình trường này.

Tuyên truyền, vận động và tổ chức tốt việc học tập suốt đời cho người lớn, phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập. Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, bảo đảm đủ giáo viên cho từng cấp học, môn học. Đảm bảo tuyển đủ giáo viên phục vụ cho đổi mới giáo dục tránh hiện tượng thừa thiếu cục bộ.

Biên soạn và triển khai sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới (phần của địa phương). Ưu tiên đầu tư cho giáo dục, bảo đảm đủ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ tốt việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới. Tăng cường đầu tư, phát triển nhanh trường, cụm lớp cho cấp học mầm non; bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh học ngày 2 buổi, nhất là ở vùng khó khăn, trước hết tập trung cho giáo dục mầm non, tiểu học. Tăng cường sử dụng phương tiện, phương pháp dạy học hiện đại. Tích cực chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho các học sinh tham dự kỳ thi, chuẩn bị cơ sở vật chất cho đổi mới kỳ thi, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận kỳ thi bảo đảm đúng thực chất, công bằng…

NN

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/dam-bao-tuyen-du-giao-vien-phuc-vu-cho-doi-moi-giao-duc-14323