Đạm Cà Mau cán mốc 7 triệu tấn sản phẩm

Ngày 13/9, nhà máy Đạm Cà Mau đã cán mốc sản xuất sản lượng ure thứ 7 triệu - tương đương 140 triệu bao sản phẩm đã và đang đến tay nhà nông.

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HOSE: DCM) cho biết: Ngày 13/9, nhà máy Đạm Cà Mau đã cán mốc sản xuất sản lượng ure thứ 7 triệu - tương đương 140 triệu bao sản phẩm đã và đang đến tay nhà nông. Thành quả này không chỉ thể hiện “độ chín” của đội ngũ quản lý vận hành còn khẳng định vai trò của DCM trong hành trình phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững.

Cột mốc 7 triệu tấn urea sẽ là dấu son rực rỡ của PVCFC.

Lý do ra đời cũng chính là kim chỉ nam hành động: Cung ứng nguồn phân bón chất lượng, làm giàu cho nhà nông và góp phần ổn định an ninh lương thực nước nhà. Gần 10 năm qua, sự nỗ lực kiên trì và phấn đấu luôn hun đúc trong mỗi nhân tố DCM, vận hành nhà máy ổn định xuyên suốt, công suất thiết kế tối đa, xứng đáng với kỳ vọng chính phủ và mong mỏi của nhà nông cho một thương hiệu phân bón Việt Nam xứng tầm.

Những ngày đầu vận hành chạy thử một nhà máy với thiết bị tân tiến, công nghệ châu Âu, đội ngũ chủ động học hỏi, kiên trì nghiên cứu và đã sớm làm chủ dây chuyền, đưa nhà máy vào hoạt động. Công suất hiện nay luôn duy trì ở 110% với sản lượng 870.000 tấn/năm. Đến nay nhà máy đã đạt 7 triệu tấn sản phẩm, tiết kiệm hàng tỷ USD cho nước nhà nếu như phải nhập khẩu. Điều đáng nói hơn là chất lượng sản phẩm được bảo chứng, đời sống nông dân khấm khá hơn. Đó là niềm vui, tự hào của đội ngũ cán bộ, công nhân, là động lực hăng say nghiên cứu nâng cao chuyên môn để Đạm Cà Mau đóng góp nhiều hơn.

Không dừng lại ở mục tiêu vận hành ổn định, sản xuất kinh doanh phân bón trong tình hình mới, những bàn tay khối óc ấy lại đẩy mạnh sáng kiến, mày mò cải tiến công nghệ nhằm tiết giảm nhiên liệu, nâng cao năng suất. Năm qua đã có nhiều sáng kiến đáng ghi nhận: Thu hồi nguồn khí đốt bỏ Permeate gas làm khí đốt lò tăng 3% công suất; tự phục hồi Hydraulic turbine không cần thay mới và chuyên gia hỗ trợ; chuyển đổi linh hoạt động cơ từ chạy bằng turbine hơi sang motor điện và ngược lại; cải hoán hấp thụ CO2 giúp tăng thêm khoảng 1,2% công suất vận hành; giảm hơi LP vào cụm deaheator tăng hiệu suất chuyển hóa của các thiết bị, giảm năng lượng thất thoát…Đặc biệt, với đội ngũ kỹ thuật dày dặn kinh nghiệm và thành tích vận hành đã được khẳng định, DCM cũng vừa được nhà bản quyền Haldor Topsose công nhận top các nhà máy có hiệu quả hoạt động tốt nhất về công suất trung bình theo năm, Top 10 các nhà máy có mức tiêu hao năng lượng thấp nhất. Thành tích này không những tiết kiệm chi phí lớn mà còn đảm bảo vận hành nhà máy xuyên suốt công suất tối đa, không có sự cố lớn xảy ra.

Đồng hành trong mọi vụ mùa bằng chất lượng và tận tâm hướng dẫn, hỗ trợ, cả trong thiên tai hạn mặn, sản phẩm và con người DCM tự bao giờ đã trở nên thân thiết và gắn liền đời sống hàng triệu hộ nông.

Ngày đầu ra mắt sản phẩm thương mại từ đơn hàng nhỏ lẻ đến nay bộ sản phẩm “Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng” đã và đang khẳng định thương hiệu phân bón Việt được tin dùng nhất, chiếm lĩnh 40% thị phần cả nước, 60% thị phần ĐBSCL, có mặt các tỉnh Tây Nguyên, đối tác thân tín của nông nghiệp Campuchia và nhiều quốc gia khu vực.

Chất lượng sản phẩm, không ngừng được cải tiến phù hợp nhu cầu mới theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tiết giảm lượng bón hiệu quả đến 30% nhưng cho năng suất tăng 5-10%, tăng lợi ích nhà nông và khách hàng. DCM luôn nhất quán chủ trương đa dạng hóa bộ sản phẩm phân bón để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đích đến không chỉ là nâng cao năng lực kinh doanh, tăng doanh thu lợi nhuận, mà còn là bước dài trên hành trình chung sức xây dựng nông nghiệp Việt Nam bền vững.

Mỗi thành tích như một mảng ghép nên diện mạo PVCFC trưởng thành vững chắc. Cột mốc 7 triệu tấn urea sẽ là dấu son rực rỡ, là động lực lớn lao trên hành trình phát triển để phục vụ bà con, phụng sự nông nghiệp nước nhà.

Trần Thị Sánh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/dam-ca-mau-can-moc-7-trieu-tan-san-pham-3418975/