Dấm gỗ Biffaen điều trị tuyến trùng hại hồ tiêu

Bệnh tuyến trùng gây hại cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên là bài toán nan giải trong nhiều năm qua. Việc tìm ra giải pháp điều trị loại bệnh này được giới khoa học và nông dân hết sức quan tâm.

Mới đây, tại Đăk Lăk, Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) phối hợp với Cty CP Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Bình Định (Biffa) đã tổ chức hội thảo khoa học về chế phẩm sinh học dấm gỗ Biffaen phòng trừ tuyến trùng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo bà con.

Các nhà khoa học giải đáp thắc mắc tại hội thảo

Từ năm 2017, WASI đã tiến hành thí nghiệm đánh giá hiệu quả diệt tuyến trùng và ngăn cản nấm của sản phẩm gỗ sinh học Biffaen. Các thí nghiệm được triển khai trong phòng thí nghiệm, trong nhà lưới và trên vườn cây kinh doanh, đạt kết quả rất tốt.

TS Trần Xuân Hòa, Trưởng bộ môn BVTV, WASI cho biết: Chúng tôi triển khai thí nghiệm vào mùa mưa khi có sự gây hại của tuyến trùng và nấm phát triển mạnh nhất, tại thôn 7, xã Ea Bhôk, huyện CưKuin, Đăk Lăk. Đây là khu vực chuyên canh hồ tiêu và thường bị tuyến trùng và nấm gây hại. Điều kiện vườn thí nghiệm cây hồ tiêu ở giai đoạn kinh doanh ổn định (12 năm tuổi). Vườn không dùng bất kỳ một loại thuốc sinh học hay hóa học nào để phòng trừ tuyến trùng và các loài nấm, vi khuẩn gây bệnh trong đất (bao gồm cả các công thức và dải phân cách) trong suốt thời gian thí nghiệm.

Phương pháp bố trí thí nghiệm diện rộng, không lặp lại, bố trí kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm 3 công thức, mỗi công thức 30 cây (trụ) hồ tiêu. Thời điểm xử lý thuốc bắt đầu phun khi vườn hồ tiêu biểu hiện triệu chứng bệnh vàng lá chết chậm do tuyến trùng với tỷ lệ bệnh khoảng 30% và đang có xu hướng gia tăng.

Dấm gỗ sinh học của Biffa

Thuốc được xử lý 4 lần khi đất đủ ẩm (mỗi lần cách nhau 15 ngày), lượng dung dịch tưới là 4 lít/cây với tỷ lệ 1%, 2% và 3%. Tưới đều dung dịch thuốc vòng quanh gốc cây, bán kính tính từ gốc ra đến mép hình chiếu của tán cây.

Kết quả cho thấy sản phẩm dấm gỗ sinh học Biffaen có khả năng kiểm soát tuyến trùng gây hại cây tiêu giai đoạn kinh doanh rất hiệu quả đối với công thức 3%. Đối với bệnh vàng lá và thối rễ, trước xử lý tỉ lệ nhiễm là 36,67%, với công thức dấm gỗ có tỉ lệ pha 3%, sau 90 ngày xử lý tỷ lệ giảm xuống còn 23,33%, trong khi đó tại công thức đối chứng (nước lã) tỷ lệ nhiễm là 30%, sau 90 ngày tăng lên 46,67%. Như vậy với công thức tỷ lệ dấm gỗ 3% thì hiệu quả phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ đạt 59,09%.

Ghi nhận những nỗ lực của Biffa, sản phẩm Dấm gỗ sinh học đã đạt giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam 2017; Công trình Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất than và dấm gỗ từ cây bạch đàn của tác giả cũng được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam công bố trong sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2018.

Đối với tuyến trùng Meloidogyn spp trong đất, với công thức dấm gỗ 3%, trước xử lý tỷ lệ là 15%, nhưng sau 90 ngày xử lý giảm xuống còn 9,17%, hiệu lực phòng trừ đạt 67,09%, trong khi tại ô đối chứng trước xử lý chỉ số bệnh là 10%, sau 90 ngày đã tăng lên 21,67%.

Đối với mật độ tuyến trùng trong đất với công thức dấm gỗ 3%, trước khi xử lý có 216 con/g đất, sau 90 ngày xử lý tỷ lệ giảm xuống còn 144 con/g đất, như vậy hiệu lực phòng trừ đạt 63,44%, trong khi đó tại mô hình đối chứng thời điểm trước xử lý là 136 con, sau 90 ngày đã tăng lên 248 con/g đất. Theo TS Hòa, đây là tỷ lệ rất tốt đối với một sản phẩm sinh học.

Đối với tỷ lệ u sưng và thối rễ tại công thức dấm gỗ 3%, thời điểm trước xử lý tỷ lệ là 47%, sau 90 ngày xử lý tỷ lệ giảm xuống còn 22%, trong khi đó tại công thức đối chứng trước xử lý tỷ lệ bị u sưng thối rễ là 45,3%, sau 90 ngày tỷ lệ tăng lên 67%.

Như vậy với công thức dấm gỗ 3% thì có hiệu lực phòng trừ lên đến 68,68%.

Từ kết quả tại vườn tiêu làm mô hình, TS Trần Xuân Hòa khuyến cáo sử dụng dấm gỗ với liều lượng 3% để phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ do tuyến trùng và nấm gây ra là hiệu quả nhất, làm tăng năng suất cây hồ tiêu giai đoạn kinh doanh.

Cây tiêu trước khi được xử lý dấm gỗ sinh học

Cây tiêu sau khi xử lý dấm gỗ sinh học

Ông Nguyễn Tuấn Toàn , Giám đốc Biffa: Dấm gỗ (tên khoa học là word vinegar hay Pyroligneous) đã trở thành một sản phẩm sinh học kỳ diệu. Ngay tên gọi của sản phẩm đã nói lên đặc tính của nó, sản phẩm dạng dung dịch, có vị chua của dấm, độ pH rất thấp (± 2.5) có nguồn gốc từ gỗ. Thành phần của dấm gỗ bao gồm hơn 200 hợp chất hữu cơ, nhưng khoảng 80 – 90% là nước. Trong 10 - 20% còn lại chủ yếu là các chất hữu cơ thiên nhiên, nhiều nhất là axit axetic khoảng 4 - 5%, cồn, ester, phenol, aldehyd… chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

PV

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dam-go-biffaen-dieu-tri-tuyen-trung-hai-ho-tieu-post239509.html