Đam mê và quyền lực làm mới cải lương lịch sử

Sân khấu Kim Ngân vừa ra mắt vở cải lương lịch sử Đam mê và quyền lực (tác giả và đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) tại Nhà hát Bến Thành, quận 1.

Tác phẩm sân khấu này được đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ bỏ nhiều thời gian nghiên cứu từ các tư liệu lịch sử và từ tiểu thuyết Tuyên phi Đặng Thị Huệ của nhà văn Ngô Văn Phú, để sáng tạo, viết mới với nhiều tình tiết gay cấn, hấp dẫn. Vở có sự tham gia của các NSƯT Phượng Loan, Lê Tứ, Thanh Hùng; các nghệ sĩ Chí Linh, Kim Ngân, Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Tấn Beo, Bảo Trí, Gia Bảo, Thanh Hồng, Chấn Cường, Thanh Khang, bé Thảo Trúc…

Vở cải lương lịch sử Đam mê và quyền lực diễn tại Nhà hát Bến Thành

Vở cải lương lịch sử Đam mê và quyền lực diễn tại Nhà hát Bến Thành

Suất diễn đầu tiên đã thu hút đông đảo khán giả đến xem, cổ vũ tinh thần cho sân khấu xã hội hóa với tâm huyết thực hiện cải lương lịch sử. Vở cải lương lấy bối cảnh lịch sử chúa Trịnh Sâm, vị chúa thứ 8 của vương tộc Trịnh, cầm quyền ở miền Bắc Đại Việt. Chúa là người thông minh, quyết đoán, mưu lược, văn võ song toàn, rất thành công trong việc dẹp loạn, bình thiên hạ, sửa sang nền chính trị. Tuy nhiên, từ sau năm 1775, chúa ngày càng sa vào tửu sắc, khiến cho nền chính trị suy bại, cuộc sống người dân trở nên cơ cực. Ông sủng ái tuyên phi Đặng Thị Huệ và quận Huy Hoàng Đình Bảo.

Với ân sủng của chúa, quyền thế trong tay, tuyên phi đã ép Trịnh Sâm gả công chúa Ngọc Lan cho em trai mình là Đặng Mậu Lân, một kẻ hoang dâm, càn rỡ, thường cậy oai chị gái để dở thói cường quyền, hãm hiếp dân lành... Sau khi sự việc Đặng Mậu Lân giết chết Sử Trung, người được chúa Trịnh giao trọng trách bảo vệ công chúa Ngọc Lan, bị bại lộ, tuyên phi đã xin chúa tha tội chết cho em, chỉ đày ra đảo hoang. Sau đó, bà cùng quận Huy Hoàng Đình Bảo bắt tay nhau thực thi quyền hành nơi triều chính. Vương triều của chúa Trịnh sẽ không có nhiều thay đổi nếu thái tử Trịnh Tông không tham vọng soán ngôi cha. Trịnh Sâm ăn chơi vô độ và tổn hao tâm trí trong việc phân chọn người kế thừa ngôi chúa dẫn đến bệnh nặng rồi băng hà. Cơ đồ nhà Trịnh trở nên hỗn loạn. Thánh mẫu (mẹ chúa Trịnh) ra sức bảo vệ và đưa Trịnh Tông lên ngôi. Tuyên phi rơi vào ngõ cụt, vừa mất chồng, vừa mất quyền lực trở nên điên loạn, rồi tìm đến cái chết…

Đam mê và quyền lực là một câu chuyện sân khấu lịch sử, lý giải cuộc đời đầy quyền lực, lắm tham vọng và cũng không ít đau khổ dằn vặt của nhân vật tuyên phi. Những gì bà đã tạo nên trong lịch sử giai đoạn chúa Trịnh không phải do bà muốn như thế. Thời cuộc đã khiến xui một nữ nhân, con gái thường dân nghèo khổ, xinh đẹp, khi nhanh chóng bước lên nấc thang danh vọng đã trượt dài trên con đường tham vọng quyền lực. Bà cũng đã tự cảm thán về cuộc đời mình: vì tình yêu chúa, yêu con đã khiến bà cuồng vọng với đam mê và quyền lực, tạo nên những tai ách trong phủ chúa, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình chính trị - xã hội đàng ngoài, gây nên nạn kiêu binh…

Tác phẩm được viết gọn ghẽ, súc tích, thể hiện khá tổng quan một giai đoạn lịch sử nhiều thăng trầm nơi phủ chúa. Cách lý giải câu chuyện lịch sử khá mới mẻ, có nhiều tình tiết gay cấn, cuốn hút người xem. Dàn nghệ sĩ tài năng của sân khấu sàn gỗ đã thể hiện rất tốt từng vai diễn, trong đó có vai diễn nặng ký Trịnh Sâm do nghệ sĩ Chí Linh thủ diễn, nhân vật Thánh Mẫu của NSƯT Phượng Loan, một người mẹ thương con, người bà thương cháu và còn là nhân vật đảm nhận vai trò dẫn dắt, kết nối các nội tình trong phủ chúa, tạo thành một mạch dẫn xuyên suốt vở diễn. NSƯT Lê Tứ giữ phong độ với giọng ca cuốn hút người nghe và thần thái dũng mãnh của vị tướng có tài. Đôi nghệ sĩ trẻ Điền Trung - Lê Thanh Thảo cũng tạo nên nét duyên đặc sắc trong vai thái tử Trịnh Tông và công chúa Ngọc Lan. Riêng với doanh nhân - nghệ sĩ Kim Ngân, bên cạnh việc chịu lỗ để đầu tư thực hiện vở cải lương lịch sử này, chị còn nỗ lực hoàn thành tròn vẹn vai diễn Đặng Thị Huệ.

Với nhiều khán giả, vai diễn phản diện Đặng Mậu Lân có phần hơi thái quá, nam nghệ sĩ đã không biết tiết chế khi trình diễn. Cảnh Đặng Mậu Lân sau khi xé áo công chúa Ngọc Lan, đã hào hứng nắm chân Ngọc Lan lôi xềnh xệch trên sân khấu, khiến khán giả tức cười vì... hài, chứ không thấy được cái ác của nhân vật.

Vở cải lương lịch sử này sẽ diễn suất kế tiếp vào tối 13-10 tại Nhà hát Bến Thành.

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dam-me-va-quyen-luc-lam-moi-cai-luong-lich-su-621690.html