Dám nghĩ, dám làm, còn cần dám nói!

Khi đã nghĩ đúng thì dấn thân để làm, quyết tâm đưa cái đúng vào cuộc sống, lấy kết quả cuối cùng để chứng minh và bảo vệ mình

Từ khi Đảng ta gánh vác trọng trách lãnh đạo cách mạng Việt Nam làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, 2 cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện thắng lợi, trong đời sống chính trị - xã hội thường có câu "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau".

Không chỉ là khẩu hiệu

Câu trên không chỉ là khẩu hiệu đơn thuần mà là mệnh lệnh, phương châm hành động của một Đảng tiên phong và Đảng ta cùng tuyệt đại đa số đảng viên đã làm tròn, làm xuất sắc trọng trách thiêng liêng này.

Khi chuyển sang giai đoạn xây dựng CNXH, nhất là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN - một việc làm chưa có tiền lệ - thì phải đổi mới, thay đổi tư duy, xóa bỏ "bao cấp", "xé rào"… nên rất cần sự năng động, sáng tạo, "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" và "dám nói" để phá bỏ cái cũ, cái lỗi thời đang cản trở sự tiến lên và cũng "dám nói" trước những tiêu cực từ tác động của mặt trái kinh tế thị trường, tham nhũng, lợi ích nhóm. Vì thế, cán bộ, đảng viên càng cần có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng các đại biểu trong chương trình giao lưu điển hình toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng các đại biểu trong chương trình giao lưu điển hình toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019Ảnh: TTXVN

Dám nghĩ những điều chưa có trong sách, chưa có trong đời, để làm vì sự nghiệp củng cố niềm tin của nhân dân phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Khi đã nghĩ đúng thì dấn thân để làm, quyết tâm đưa cái đúng vào cuộc sống, lấy kết quả cuối cùng để chứng minh và bảo vệ mình.

Trong thực tiễn, cũng có một bộ phận đảng viên nhạt nhòa lý tưởng, mất sức chiến đấu, đánh mất tính tiên phong, lè phè như "lục bình trôi", cầu an, thu vén, co cụm, vô cảm, trì trệ, vo tròn, thấy cái tốt không ủng hộ, cái xấu không lên án.

Rồi cũng có tình trạng lợi dụng, nhân danh năng động, dám làm để luồn lách, đục khoét tài sản nhà nước, tham nhũng, móc ngoặc tạo những nhóm lợi ích bảo vệ nhau làm giàu bất chính.

Có cả trường hợp cơ sở Đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thủ tiêu đấu tranh, bè phái, trù dập đảng viên hay quần chúng đấu tranh.

Qua các vụ việc tiêu cực lớn bị xử lý vừa qua ở một số cơ sở, chúng ta rút ra bài học: Khi cấp trên không chuẩn mực thì cấp dưới muốn trong sạch cũng khó. Không làm theo cấp trên thì cũng khó bề tồn tại mà làm theo thì hậu quả khó lường, thậm chí rơi vào vòng lao lý.

Nói đi thì phải nói lại, cũng do quá trình chuyển đổi nhanh quá nên một bộ phận cán bộ, đảng viên không theo kịp. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý vẫn thiếu rõ ràng; một "hệ sinh thái" đổi mới hình thành chưa rõ nét, dễ gây ngộ nhận.

Vì thế, trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (tháng 5-2018), ở phần quan điểm, Đảng ta nêu: Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Điều đó cho thấy cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là một minh chứng cho việc Đảng muốn đổi mới thật sự, đổi mới có bài bản. Làm như vậy mới có đảng viên có tư tưởng đổi mới, sáng tạo vì cái chung. Muốn thế, phải xây dựng cơ chế để bảo vệ những con người năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm là công việc Đảng cần bắt tay làm ngay.

Cảnh báo sớm

Dám nghĩ, dám làm còn phải dám nói. Im lặng và thủ tiêu đấu tranh, tạo môi trường dung dưỡng cho cái xấu nảy sinh và phát triển.

Thực tiễn đã chỉ ra trong nhiều vụ tiêu cực vừa qua, nhiều đảng viên ở các đơn vị có sai phạm này đã im lặng không dám nói, cơ quan chức năng thì vào cuộc quá muộn nên thường là "chuyện đã rồi", tổn thất vì thế sẽ lớn hơn, cái giá kinh tế - chính trị phải trả nặng hơn. Do đó, rất cần một cơ chế phòng ngừa, cảnh báo sớm.

Một lời nhắc nhở

Cách đây 60 năm, trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Bác Hồ nói: "Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình. Đảng ta là đạo đức, là văn minh".

Đây không chỉ là một định nghĩa Đảng về mặt lý luận, mà còn là niềm tự hào, cũng là một lời nhắc nhở. "Đảng ta là đạo đức, là văn minh" là một nhu cầu cấp thiết của việc xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay. Muốn thực hiện tốt lời nhắn nhủ này, mỗi đảng viên phải là người dám nghĩ, dám làm, dám nói và dám chịu trách nhiệm với việc mình làm.

Diệp Văn Sơn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dam-nghi-dam-lam-con-can-dam-noi-20200216202511199.htm