Đàm phán Israel – Hamas: Vũ điệu trên băng mỏng

Đến ngày 18/3, khi các nhà đàm phán quốc tế từ Ai Cập, Israel và Qatar gặp nhau tại Doha nhằm cố gắng thu hẹp những bất đồng tồn tại giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel, về các điều khoản khả thi cho một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza cũng như vấn đề trao đổi con tin, thì các viễn cảnh vẫn vô cùng mờ mịt. Thực tế, diễn biến này đúng như quan ngại của các nhà phân tích quốc tế, về những khả năng vô cùng bấp bênh liên quan tới cuộc đàm phán.

Điểm nghẽn không lối thoát

Là nỗ lực tìm kiếm phương thức một lệnh ngừng bắn mới nhất, cuộc gặp gỡ tại Doha diễn ra sau khi các nhà đàm phán không đạt được thỏa thuận ngừng bắn trước tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo (bắt đầu vào ngày 11/3) bất chấp áp lực mạnh mẽ từ Mỹ.

Các nhà hòa giải quốc tế từng hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 6 tuần, trước khi tháng lễ Ramadan diễn ra, song đến phút chót, cả Hamas lẫn Israel đều không chấp nhận thỏa hiệp, ở một vấn đề then chốt: Hamas chỉ chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn (chứ không phải 6 tuần) ở Gaza, nhưng phía Israel bác bỏ. Theo Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, các đề xuất từ phía Hamas là “không thực tế”.

Người dân Gaza hứng chịu thảm họa nhân đạo tồi tệ do xung đột.

Cụ thể, Hamas đã đưa ra đề xuất ngừng bắn ở Gaza với các nhà hòa giải, bao gồm giai đoạn đầu tiên là thả phụ nữ, trẻ em, người già và con tin ốm yếu để đổi lấy việc thả 700-1.000 tù nhân Palestine, trong số này có khoảng 100 tù nhân Palestine đang thụ án chung thân trong các nhà tù của Israel. Đồng thời, họ cũng tuyên bố sẽ thống nhất về ngày ngừng bắn lâu dài sau cuộc trao đổi con tin và tù nhân ban đầu.

Trước đó, ngày 12/3, Đài Truyền hình Al Arabiya dẫn nguồn tin trong giới lãnh đạo Hamas cho biết, Hamas chấp nhận một kế hoạch ngừng bắn do Mỹ đề xuất cho Dải Gaza. Theo nguồn tin này, sáng kiến của Mỹ đề xuất ngừng bắn tại Gaza và dần đưa những người phải rời bỏ nhà cửa quay trở lại để đối lấy việc trả tự do cho một số con tin bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công Israel tháng 10/2023.

Song, quả thực, khi lực lượng vũ trang Israel đã truy kích Hamas tới tận Rafah (thành phố ở miền Nam Gaza), và khi Hamas ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn, thì những đòi hỏi từ Hamas không dễ để Tel Aviv chấp nhận.

Gaza bên bờ vực thẳm

Một cách ngắn gọn, cho dù vấp phải những làn sóng chỉ trích dữ dội từ dư luận quốc tế, trong các cuộc đàm phán liên quan đến xung đột tại Dải Gaza, Israel vẫn ở thế thượng phong.

Điều này không chỉ bắt nguồn từ quy mô quân đội hay khí tài quân sự vượt trội so với Hamas, mà trên hết, chính những thảm kịch nhân đạo đang tàn phá Gaza lại trở thành ưu thế của Israel.

Kể từ khi xung đột bùng nổ tháng 10/2023 tới nay, như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 17/3: Hơn 13.000 trẻ em đã thiệt mạng ở Gaza trong các cuộc tấn công của Israel, đồng thời nhiều trẻ em khác đang bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và “thậm chí không còn sức để khóc”. Giám đốc Điều hành UNICEF Catherine Russell chia sẻ với chương trình "Face the Nation" của CBS News: "Chúng tôi chưa từng thấy tỷ lệ tử vong ở trẻ em như vậy trong hầu hết các cuộc xung đột khác trên thế giới”.

Hơn thế, theo số liệu của cơ quan y tế tại Gaza, cuộc xung đột Hamas-Israel nổ ra từ ngày 7/10 năm ngoái đến nay đã khiến ít nhất 31.726 người thiệt mạng, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Hơn thế nữa, theo báo cáo đánh giá về an ninh lương thực do Liên hợp quốc hỗ trợ thực hiện, khoảng 50% dân số tại Gaza đang đối mặt với nạn đói "thảm khốc". Nghĩa là, đã trở thành một nghĩa địa khổng lồ, Gaza còn đang trên đường trở thành một thảm họa nhân đạo kinh khủng bậc nhất.

Chính vì vậy, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ngày 18/3, lặp lại một lần nữa lời kêu gọi Israel đảm bảo không cản trở việc tiếp cận những chuyến hàng viện trợ nhân đạo quý giá từ cộng đồng quốc tế, đang hối hả được chuyển đến sát địa phận Dải Gaza, nhằm giành giật những sinh mạng vô tội khỏi tay tử thần - những chuyến hàng phải được phía Israel cho phép đi vào miền đất đã quá tang thương này.

Mới ngày 15/3 thôi, cơ quan y tế ở Gaza do Hamas điều hành đã cáo buộc lực lượng Israel nổ súng vào dân thường đang chờ nhận hàng viện trợ ở phía Bắc Gaza, khiến 20 người thiệt mạng và 155 người bị thương. Cho dù sau đó, phía Israel bác bỏ cáo buộc này, thì thực tế vẫn hoàn toàn là một tấn thảm kịch. Bởi, kể cả khi nhiều quốc gia đã phải điều máy bay để thả hàng viện trợ xuống Gaza (do khả năng tiếp cận khu vực bằng đường bộ qua Ai Cập và Israel bị hạn chế), thì theo các tổ chức quốc tế, đây cũng chỉ là một “giải pháp chữa cháy”, bởi những chuyến viện trợ đường không "không thể thay thế" cho hoạt động cứu trợ trên bộ.

Nếu muốn cứu người, cộng đồng quốc tế, thật éo le, lại không thể cứng rắn với Tel Aviv. Để các cửa khẩu biên giới được mở cho những chuyến xe chở hàng cứu trợ, sự mềm mỏng là điều bắt buộc (bất chấp nỗi công phẫn mỗi lúc một ngùn ngụt cháy, trong thế giới Hồi giáo nói chung và trong tâm tưởng người Palestine cũng như Hamas nói riêng).

Sự sống của trẻ em ở Gaza phụ thuộc vào việc một lệnh ngừng bắn thành hiện thực hay không.

Sự sắt đá của ông Netanyahu

Khi xem các đề xuất từ phía Hamas là “phi thực tế”, đồng thời, chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng nhấn mạnh: Trước tiên, họ vẫn sẽ thực hiện mục tiêu tối thượng là “tiêu diệt Hamas”.

Điều này, thực chất, cũng có liên quan đến cả những sóng gió chính trường nội bộ mà ông Netanyahu đã, đang và sẽ còn phải đối mặt. Theo kết quả một số cuộc thăm dò dư luận, nếu các cuộc bầu cử ở Israel được tổ chức vào thời điểm hiện tại, nhiều khả năng, ông Benjamin Netanyahu sẽ thua ông Benny Gantz - một thành viên ôn hòa trong nội các chiến tranh của Israel.

Gideon Rahat, nhà nghiên cứu cấp cao, giáo sư chính trị Đại học Do Thái, bình luận: “Mối quan tâm của Netanyahu là kéo dài thời gian để duy trì quyền lực”. Bởi, theo Rahat, một nhà lãnh đạo mới của Israel có thể sẽ tiếp cận cuộc xung đột theo hướng khác - điều sẽ ít gây căng thẳng hơn với chính đồng minh quan trọng nhất của Israel là Mỹ. “Một chính phủ khác sẽ theo đuổi không chỉ giải pháp quân sự, mà cả giải pháp ngoại giao, một giải pháp liên quan nhiều hơn đến chính quyền Palestine ở Bờ Tây, những người sẽ có sự phân biệt rõ ràng hơn giữa Hamas (lực lượng vũ trang Palestine kiểm soát Dải Gaza trên thực tế) với người dân Palestine”.

Khi Israel vẫn tự đặt mình trong tình trạng chiến tranh, một cuộc bầu cử sẽ rất khó có thể được tổ chức. Và, không chỉ vậy, theo đánh giá của giới quan sát quốc tế (mà các hãng tin lớn AP, AFP, Reuters cùng dẫn), sự thay thế Netanyahu bằng một người khác cũng không chắc sẽ thay đổi được xu hướng thiên hữu đã ăn sâu trong tâm trạng xã hội Israel nhiều năm qua. Theo kết quả một cuộc khảo sát được Viện Dân chủ Israel tiến hành tháng 1/2024, Lực lượng Phòng vệ Israel vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi, dành cho những hoạt động quân sự của họ trên Dải Gaza.

Và, dù có những bất đồng, thậm chí là có những cuộc tranh cãi nảy lửa, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng vẫn khẳng định: Đối thoại gay gắt, hay chuyện chưa từng hiện hữu một kế hoạch khả thi để bảo vệ những thường dân vô tội, đều “không có nghĩa là mối quan hệ đồng minh Mỹ - Israel rạn nứt”. “Đó thực sự là sức mạnh của mối quan hệ này, để có thể nói chuyện rõ ràng, thẳng thắn và trực tiếp”, ông nhấn mạnh.

Cũng vì vậy, có thể tin rằng, các nhà đàm phán Israel sẽ không dễ dàng nhượng bộ, dù với bất cứ lý do gì. Nhất là, khi cuộc chiến đã sẵn sàng chuyển mình sang giai đoạn “chiến tranh tiêu hao” - điều mà ông Benjamin Netanyahu không hề muốn chứng kiến, khi những tác động đa chiều về cả kinh tế - xã hội cũng đã xuất hiện mỗi lúc một nhiều và khi các lữ đoàn Israel đã tập trung quanh Rafah, bất chấp lời cảnh báo rộng rãi từ cộng đồng quốc tế, rằng: Một cuộc tấn công vào đây, nơi có khoảng 1,4 triệu thường dân Palestine trú ngụ, sẽ là thảm họa...

Đông Phong

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/dam-phan-israel--hamas-vu-dieu-tren-bang-mong-i726297/