Đàm phán NAFTA tắc nghẽn vì ô tô và năng lượng

Ngày 24/8, trước tình hình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang bị chững lại, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland cho biết Mexico và Hoa Kỳ cần giải quyết các vấn đề song phương phức tạp trước khi việc hiện đại hóa Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ có thể tiến lên phía trước.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland, trưởng đoàn đàm phán NAFTA của Canada

Bà Freeland cũng cho biết ba nước đã đồng ý Canada sẽ trở lại bàn đàm phán một khi Mexico và Hoa Kỳ giải quyết được các vấn đề song phương.

Tuy nhiên, triển vọng về việc đạt được thỏa thuận giữa Mexico và Hoa Kỳ đã tiếp tục bị nghẽn lại vào ngày 24/8 vì những bất đồng bùng nổ liên quan đến năng lượng và ô tô đang tồn tại trong đàm phán NAFTA. Kể từ khi cuộc đàm phán được nối lại vào tháng trước, các nhà đàm phán của Mỹ và Mexico đã tập trung vào việc đạt được điểm chung nhưng trong những ngày qua, các quan điểm khác nhau về chính sách năng lượng giữa chính phủ hiện tại và chính phủ sắp tới của Mexico đã tạo ra một trở ngại mới.

Theo đó, Tổng thống mới đắc cử của Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã nghi ngờ việc mở cửa của ngành dầu mỏ và khí đốt năm 2013-2014 do Tổng thống đương nhiệm Enrique Pena Nieto ban hành trong hiệp định mới. Khi được hỏi về vấn đề này, Trưởng đoàn đàm phán của Mexico Jesus Seade tìm cách làm dịu vấn đề và cho rằng phía Mexico muốn kiểm tra “tính phù hợp với hiến pháp” của nội dung. Lopez Obrador là một người cánh tả, phản đối cách mạng năng lượng của Pena Nieto và đây là vấn đề gây chia rẽ trong nội bộ Mexico. Các chính sách hỗ trợ thân thiện với doanh nghiệp giúp đầu tư tư nhân lớn hơn vào lĩnh vực dầu khí trong khi nhiều đồng minh dân tộc chống lại điều này. Được đắc cử vào ngày 01/7, Lopez Obrador sẽ nhậm chức vào ngày 01/12.

Một điểm nghẽn khác trong đàm phán NAFTA là quy tắc xuất xứ mới cho ngành chế tạo ô tô mà các nhà đàm phán Mỹ hy vọng sẽ mang lại nhiều công việc sản xuất hơn cho khu vực Bắc Mỹ. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhắc nhở NAFTA cần phải được cải cách từ hơn một năm trước, và cho rằng hiệp định già cỗi này đã giúp Mexico gây tổn hại cho các công nhân và sản xuất của Mỹ. Trump đã đe dọa sẽ rút khỏi hiệp định nếu nó không mang lại lợi thế cho nước Mỹ. Các quan chức của ngành ô tô cho biết nhóm đàm phán của Mỹ hầu như không có dịch chuyển từ nhu cầu của họ hồi tháng 5 là 75% ngưỡng hàm lượng giá trị khu vực với 40-50% hàm lượng từ khu vực có tiền công cao, Hoa Kỳ và Canada, với một sự thay đổi đáng kể duy nhất là một chút thời gian lâu hơn.

Sự lạc quan ban đầu về một hiệp định sắp xảy ra, giờ đã dần dần trở nên mờ nhạt. Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo trước đó đã cho biết hôm 22/8 rằng bước đột phá song phương chỉ còn tính bằng “giờ” và tiếp tục đàm phán tại Washington đến cuối tuần. Nhưng với bất đồng giữa chính phủ đương thời và chính phủ sắp tới về chương năng lượng của hiệp định, ông Guajardo cho biết cần phải bảo đảm mọi người đều thấy thoải mái với hiệp định này. Khi nhận xét về những khó khăn trong việc bảo đảm một hiệp định cuối cùng, đại diện Mexico nhấn mạnh “luôn tồn tại những khoảnh khắc cuối cùng có thể đến giữa hiện thực và mục tiêu”, đàm phán NAFTA đang trong giai đoạn như vậy.

Riêng về điều khoản rà soát cuối kỳ của hiệp định có thể chấm dứt NAFTA sau 5 năm theo đề xuất của Hoa Kỳ, Mexico cho biết đây là vấn đề rất khó và sẽ được giải quyết khi Canada trở lại bàn đàm phán. Nhưng việc khi nào Canada có thể trở lại cho một đàm phán ba bên thì chưa thể biết được vì điều đó phụ thuộc vào Hoa Kỳ và Mexico có thể giải quyết được những điểm nghẽn song phương nhanh như thế nào. Mà “các vấn đề của Hoa Kỳ và Mexico trong NAFTA thực sự rất phức tạp”- bà Freeland khẳng định.

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/dam-phan-nafta-tac-nghen-vi-o-to-va-nang-luong-107888.html