Đàm phán thất bại, Facebook bất ngờ buông bản quyền ngoại hạng Anh

Đàm phán phát sóng Giải bóng đá ngoại hạng Anh (EPL) 3 mùa 2019 - 2022 của Facebook sụp đổ, các nhà đài chuẩn bị bước vào cuộc đua giành quyền phát sóng tại Việt Nam.

.

.

Đàm phán của Facebook sụp đổ

Tháng 5/2018, Facebook khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi vượt mặt các đài truyền hình lớn như BeIN Sports và Fox Sports Asia để đạt thỏa thuận mua bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh trên nền tảng Internet với giá trị 200 triệu bảng (264 triệu USD). Facebook được cho là đã trả giá cao hơn rất nhiều so với các đối thủ về bản quyền phát sóng EPL cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Facebook cũng đã đạt được thỏa thuận ban đầu phát sóng tại Thái Lan, Lào, Campuchia và ở Việt Nam. Thỏa thuận được thực hiện tính từ mùa giải 2019 - 2020 và sẽ kéo dài trong 3 mùa giải.

Từ đó đến nay, trong suốt 8 tháng qua, các luật sư của Facebook đã cùng Ban Tổ chức đàm phán các vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, hai bên đã không thể thống nhất các thỏa thuận cuối cùng. Với tư cách là bên trả giá cao nhất, đồng thời Facebook cũng đã có một khoảng thời gian đàm phán độc quyền; nhưng cuộc đàm phán giữa hai bên đã lâm vào bế tắc. Cuối cùng, sau 8 tháng làm việc giữa luật sư của hai bên, một số bất đồng đã không thể thống nhất, dẫn đến các bên quyết định chấm dứt đàm phán.

Như vậy, ngay sau khi thương vụ này đổ bể, Ban Tổ chức Premier League sẽ phải trở lại thị trường để tìm kiếm đối tác có thể mua bản quyền giải đấu ở khu vực này. Đây là bài toán khó cho Premier League trong bối cảnh mùa giải mới 2019 - 2020 sẽ khởi tranh vào tháng 8/2019.

Nhà đài Việt Nam sẽ vào cuộc

Ngay sau khi có thông tin Facebook “buông bỏ” EPL, phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ với lãnh đạo một số đài truyền hình trả tiền để hỏi về việc có tham gia mua bản quyền EPL hay không. Các nhà đài tỏ ra bất ngờ trước thông tin trên và cho biết sẽ họp bàn, nghiên cứu về vấn đề này.

“Sự việc quá đột ngột nên chúng tôi phải chờ ý kiến của các cổ đông lớn quyết định việc có tham gia mua bản quyền hay không”, lãnh đạo một nhà đài cho biết.

Tại Việt Nam, bản quyền phát sóng EPL luôn là “món hàng hot” của các nhà đài. Ai có được độc quyền phát sóng EPL, đồng nghĩa với việc tăng trưởng doanh thu, thuê bao. K+ với 6 mùa giải liên tiếp gần đây độc quyền phát sóng đã tăng trưởng lượng thuê bao lên hơn 1 triệu.

Chính vì vậy, việc Facebook buông bỏ bản quyền EPL, đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội cho tất cả nhà đài trong bối cảnh cạnh tranh truyền hình trả tiền khốc liệt hiện nay và chắc chắn, các nhà đài có tiềm lực như K+, VTV, SCTV, NextTV… sẽ không bỏ lỡ cơ hội này.

Vấn đề là ai sẽ đủ tiền mua, ai đủ năng lực để đáp ứng các điều kiện của Ban Tổ chức ngoại hạng Anh, nhất là đảm bảo việc chống vi phạm bản quyền…

Về vấn đề tài chính, phí bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh gần như là món hàng đắt nhất hành tinh. Hơn 10 năm trước, giá phí bản quyền truyền hình mới chỉ 2 triệu USD cho 3 mùa giải, thì hiện giờ, phí bản quyền truyền hình đã là 46 triệu USD, cao gấp 23 lần. Vì thế, không dễ để nhà đài có đủ năng lực tài chính mua bản quyền.

Mặt khác, theo quy định của EPL, hiện các nhà đài phải mua bản quyền kênh truyền hình quốc tế thông qua các đại lý phân phối là doanh nghiệp trong nước, để đảm bảo Nhà nước quản lý và thu được thuế từ các doanh nghiệp này. Nhưng Ban Tổ chức EPL chỉ bán độc quyền cho 1 đại lý Việt Nam.

Tóm lại, khả năng lớn nhất chỉ có một doanh nghiệp Việt Nam vào “chung kết” mua bản quyền truyền hình là rất cao. Tuy nhiên, ở tình thế EPL sẽ phát sóng mùa mới vào đầu tháng 8/2019, nên sẽ là cơ hội để các nhà đài Việt Nam đoàn kết, ngồi lại với nhau để cùng mua chung bản quyền EPL. Nếu các nhà đài Việt Nam đoàn kết, khả năng mua được không phải là không có.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức họp với một số đài truyền hình lớn, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền để lấy ý kiến, thống nhất cơ chế phối hợp mua bản quyền chương trình thể thao phát sóng trên truyền hình, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tiết kiệm chi phí, vì lợi ích chung của cộng đồng.

Hữu Tuấn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dam-phan-that-bai-facebook-bat-ngo-buong-ban-quyen-ngoai-hang-anh-d96626.html