Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Bế tắc phút 89!

Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ nhật 5-5 nói rằng sẽ tăng thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỉ đô la Mỹ từ mức 10% hiện nay lên 25% bắt đầu từ ngày mai thứ Sáu 10-5-2019.

Trong 10 tháng qua, Mỹ đã áp thuế 25% lên lượng hàng công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỉ đô la Mỹ và vẫn tiếp tục. Ông Trump cũng cho biết còn khoảng 325 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hiện chưa bị đóng thuế và sẽ sớm được áp thuế, cũng ở mức 25%; nghĩa là hầu như mọi món hàng mà Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ đều sẽ phải chịu thuế 25%. “Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp diễn, nhưng quá chậm, vì họ cố đàm phán lại. Không!”, ông Trump viết trên Twitter.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ giới doanh nhân Trung Quốc ở Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: NYT

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ giới doanh nhân Trung Quốc ở Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: NYT

Quyết định của ông Trump đã gây sốc mạnh cho thị trường, riêng thị trường chứng khoán Thượng Hải đã có lúc giảm 6%, bốc hơi khoảng 860 tỉ đô la Mỹ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai 6-5, thị trường Hồng Kông giảm 2,5% và chỉ số S&P 500 của Mỹ cũng giảm khoảng 1,5%. Đáng lưu ý là quyết định đột ngột này trái ngược hẳn với phát biểu lạc quan của nhiều quan chức Mỹ phụ trách đàm phán thương mại với Trung Quốc rằng cuộc thương thảo đang tiến triển tốt và hai bên sắp ký kết hiệp định thương mại trong tuần này. Bản thân ông Trump cũng đã dự kiến một buổi lễ ký kết giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm diễn ra.

Một phái đoàn cao cấp của Trung Quốc, do Phó thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) dẫn đầu, sẽ tới Washington vào thứ Tư để đàm phán phiên cuối cùng vào thứ Năm và ký kết một thỏa thuận thương mại, ít ra là về nguyên tắc, nhưng do ông Trump đột ngột thay đổi quan điểm, chưa rõ phái đoàn này có lên đường như kế hoạch hay không. Tại buổi họp báo đầu tuần hôm thứ Hai, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) nói đoàn đàm phán Trung Quốc vẫn có kế hoạch viếng thăm Mỹ nhưng không xác nhận khi nào họ sẽ đi và ông Lưu Hạc có dẫn đầu đoàn hay không. Nếu phái đoàn của Lưu Hạc bỏ dở cuộc đàm phán và không tới Mỹ, quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ căng thẳng hơn rất nhiều. Ngân hàng Goldman Sachs lưu ý các nhà đầu tư rằng, nếu phái đoàn quan chức Trung Quốc vẫn đến Washington vào ngày 8-5 thì vẫn có khả năng hai bên đạt được một thỏa thuận nào đó trước ngày thứ Sáu, ngược lại sẽ là dấu hiệu của một cuộc chiến thương mại leo thang, thuế suất 25% sẽ được áp dụng như quyết định của ông Trump.

Vì sao bế tắc?

Quyết định đột ngột của ông Trump có phần do Trung Quốc vẫn giữ quan điểm cứng rắn trong các cuộc đàm phán thương mại cấp cao tại Bắc Kinh hồi tuần trước, họ không muốn chấp nhận những thỏa thuận sẽ dẫn tới việc Trung Quốc phải sửa đổi nhiều điều luật hiện hành; phía Trung Quốc cũng đặt điều kiện rằng chính quyền Trump phải bãi bỏ mọi biện pháp áp thuế trước khi đàm phán thỏa thuận - một quan điểm khiến ông Trump rất tức giận.

Phía Mỹ nhắm tới một hiệp định thương mại sẽ mở ra cơ hội kinh doanh cho các công ty Mỹ ở Trung Quốc, đòi hỏi Trung Quốc mua thêm nhiều hàng hóa Mỹ và chấm dứt việc ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ và bí quyết kinh doanh đổi lấy quyền tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, cho đến nay, sau nhiều vòng đàm phán, Trung Quốc chỉ đồng ý mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp Mỹ ngành xe hơi, ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán, cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nỗ lực thu hẹp chênh lệch thương mại bằng việc mua thêm nhiều nông sản (đậu nành) và năng lượng (khí đốt) của Mỹ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc chống lại sự phê phán của Mỹ đối với cái gọi là hành vi kinh tế tồi tệ của Trung Quốc; Bắc Kinh nhấn mạnh mọi điều khoản của hiệp định phải có tính ràng buộc với cả hai phía, đồng thời phản đối đưa vào văn bản bất kỳ từ ngữ nào ám chỉ Trung Quốc không tuân thủ các cam kết trước đây trong việc đánh cắp bí mật công nghệ của các công ty Mỹ hoặc ép buộc doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, Trung Quốc không đồng ý với điều khoản cho phép Mỹ sử dụng “cây gậy thuế suất” để bảo đảm Bắc Kinh thực thi nghiêm chỉnh những cam kết trong hiệp định.

Thêm nữa, Trung Quốc chỉ chấp nhận những điều khoản của hiệp định được thực thi ở cấp độ lập quy, tức là thông qua những quy định hành pháp của chính phủ; trong khi phía Mỹ đòi hỏi có sự thay đổi ở cấp độ lập pháp, tức là mọi thay đổi phải được thể chế hóa trong các bộ luật của nước này do quốc hội phê chuẩn. Xem ra, lập trường của Trung Quốc vẫn còn khoảng cách khá xa so với kỳ vọng của Mỹ cho một hiệp định thương mại song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trở về từ Bắc Kinh sau vòng thương thảo tuần trước, đại diện thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer cho rằng, thỏa thuận vẫn chưa đủ tốt để có thể ký kết. Các chính trị gia hàng đầu của đảng Dân chủ đối lập cũng không hài lòng với nội dung đàm phán thương mại với Trung Quốc và cảnh báo ông Trump đừng rơi vào cái bẫy “nói một đằng làm một nẻo” của Bắc Kinh, hối thúc ông kiên quyết bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ.

Có nhân nhượng hay không?

Ngân hàng Goldman Sachs nhận định, cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã đi tới “điểm kẹt” (sticking point), đòi hỏi hai bên phải có những sự nhượng bộ quan trọng để tránh đổ vỡ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần nói rằng, Trung Quốc sẽ thay đổi nhưng chỉ thay đổi dần dần, theo nhu cầu của nền kinh tế-chính trị trong nước chứ không theo áp lực từ bên ngoài. Chính phủ Trung Quốc dường như không muốn để cho người dân nghĩ rằng họ đang bị thế lực nước ngoài, cụ thể là Mỹ, thao túng; cho nên Trung Quốc khó có thể nhượng bộ cho dù nền kinh tế nước này có phải chịu thiệt hại do thương chiến với Mỹ. Nhà kinh tế chuyên về Trung Quốc của Ngân hàng UBS, bà Vương Đào (Tao Wang) tính toán rằng, một cuộc thương chiến với Mỹ sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm đi từ 1,6-2% trong 12 tháng tới. Lần này, có vẻ như các nhà lãnh đạo Trung Quốc không lường được sự “cứng rắn” của Tổng thống Mỹ và bộ tham mưu về chính sách thương mại của ông ta.

Về phía Mỹ, ông Trump đã đôi lần nhân nhượng bằng cách hoãn tăng thuế lên 200 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, lẽ ra đã được thực thi từ tháng 3-2019, để tạo thuận lợi cho các nhà đàm phán, nhưng dường như ông không còn kiên nhẫn được nữa. Giới phân tích cho rằng ông Trump đang được khuyến khích bởi kinh tế Mỹ hiện có đà tăng trưởng cao và ổn định, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong lịch sử và ông cố tránh không để bị lên án vì thỏa thuận đang thương lượng với Trung Quốc có vẻ như chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và chính giới Mỹ.

Tương lai khó đoán

Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ủng hộ nỗ lực của chính phủ gây sức ép để đòi hỏi một sân chơi bình đẳng ở Trung Quốc, nhưng than phiền thuế nhập khẩu đã đẩy giá hàng hóa lên cao và kích hoạt các biện pháp trả đũa của Trung Quốc lên hàng hóa Mỹ. “Không ai trong giới doanh nghiệp thích tăng thuế cả. Thuế gây tổn thương người đánh thuế cũng nhiều ngang với người chịu thuế”, Tim Stratford, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, phát biểu.

Ông Trump thì cho rằng tăng thuế ít có tác động tới giá hàng hóa ở Mỹ và các nhà sản xuất Trung Quốc phải gánh chịu phần lớn chi phí do tăng thuế - một quan điểm bị các nhà kinh tế học phản bác.

Dẫu vậy, một chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc là hết sức cần thiết. Học giả Francis Fukuyama - nhà triết học chính trị Mỹ nổi tiếng với luận thuyết “điểm tận cùng của lịch sử” - cho rằng lẽ ra Trung Quốc phải được chấn chỉnh ngay từ đầu thập niên 2000 chứ không phải đợi tới thời ông Donald Trump.

Huỳnh Hoa

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288565/dam-phan-thuong-mai-my-trung-be-tac-phut-89.html