Đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa đạt đồng thuận cuối cùng (Phần 1)

Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc hai ngày đàm phán tại Bắc Kinh nhưng vẫn chưa giải quyết được bất đồng thương mại chủ yếu giữa hai nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA/TTXVN

Ngày 5/5, phái đoàn đàm phán của Mỹ gặp Tổng thống Donald Trump để báo cáo về kết quả đàm phán ở Bắc Kinh.

Trong một thông cáo ra ngày 4/5, Nhà Trắng cho biết phái đoàn cao cấp của Mỹ đã có các cuộc thảo luận “thẳng thắn” với phía Trung Quốc về việc tái cân bằng lại quan hệ kinh tế song phương Mỹ - Trung, cải thiện việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và về vấn đề Trung Quốc ép buộc các công ty hay doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ.

Cuộc đàm phán đã diễn ra trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể diễn ra vì vào ngày 22/5 tới, Washington dự trù sẽ áp thuế lên tới 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc xuất sang Mỹ. Trong lúc trước Bắc Kinh đã tuyên bố sẵn sàng trả đũa bằng cách đánh thuế đối với hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Tuy vậy, sau hai ngày đàm phán ở Bắc Kinh, theo Tân Hoa Xã, “hai bên chỉ đạt vài đồng thuận trên một số điểm, và nhìn nhận còn những bất đồng rất lớn trên một số vấn đề”.

Theo tài liệu đàm phán mà hãng tin Bloomberg News trích dẫn, chính quyền Trump đòi phía Trung Quốc từ nay đến năm 2020 phải cắt giảm ít nhất 200 tỷ USD thâm hụt thương mại hàng năm giữa hai nước.

Tân Hoa xã đưa tin các nhà thương thuyết Mỹ đã đồng ý nêu vấn đề với Tổng thống Trump về lệnh cấm các công ty Mỹ không được bán hàng hóa và phần mềm cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE Corp (Trung Quốc), sau khi phía Trung Quốc đưa ra những lập luận của họ.

Tham gia các cuộc thương thuyết kéo dài hai ngày qua là phái đoàn thương mại cấp cao của Mỹ, do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu, và các quan chức hàng đầu Trung Quốc - trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện Lưu Hạc - sau nhiều tháng hai nước tố cáo và đe dọa lẫn nhau trong một loạt cuộc tranh chấp thương mại.

Trước đó, truyền thông Hong Kong cũng cho rằng sẽ rất ít khả năng hai bên ký được một thỏa thuận mang tính đột phá, nhưng nếu Trung Quốc đồng ý áp dụng một số biện pháp ngắn hạn thì Mỹ có thể trì hoãn việc đưa ra quyết định áp thuế.

Vừa đặt chân tới Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin đã khéo từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên rằng liệu hội đàm có đạt được tiến triển hay không. Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Trump viết: “Phái đoàn thương mại của chúng tôi đang ở Trung Quốc để cố gắng thương thảo về một môi trường thương mại công bằng! Tôi mong sớm được gặp lại Chủ tịch Tập Cận Bình, chúng tôi sẽ luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp!”

Tranh chấp đã trở nên sâu sắc hơn khi Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực nhằm vượt qua những tập đoàn công nghệ phương Tây dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, đặc biệt là về chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo cần thiết cho điện thoại thông minh, xe hơi thông minh, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.

Theo ông Tập Cận Bình, một chương trình được gọi là "Made in China 2025" nhằm mục đích biến Trung Quốc thành một siêu cường công nghệ bằng cách đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp ngoài chất bán dẫn, bao gồm trí tuệ nhân tạo, dược phẩm và xe điện.

Kế hoạch này chủ yếu liên quan đến việc trợ cấp của nhà nước cho các công ty phát triển công nghệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch cũng yêu cầu các công ty nước ngoài cung cấp các đặc điểm chính về công nghệ của họ cho các đối tác Trung Quốc để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/dam-phan-thuong-mai-my-trung-chua-dat-dong-thuan-cuoi-cung-phan-1-/84189.html