Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Phố Wall mừng hụt

Một lần nữa Phố Wall 'mừng hụt' về triển vọng một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được ký kết trong tương lai gần.

Phố Wall. Nguồn: The Economic Times

Mừng hụt

Đầu tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến thị trường có hy vọng khi cho biết đã có những tiến bộ trong đàm phán thương mại. Giới phân tích tài chính trong ngày 17-9 đã đưa ra một số phân tích, trong đó nêu ra một khả năng về thỏa thuận thương mại tạm thời mà trong đó Mỹ tạm dừng tăng thuế trong khi Trung Quốc sẽ tăng mua nông sản của Mỹ. Nếu điều này diễn ra thì phía Mỹ sẽ dừng các đợt tăng thuế trong tháng 10 và tháng 12 mà họ đã lên kế hoạch.

Tuy nhiên, vẫn còn những rủi ro do sự khó dự đoán của Tổng thống Donald Trump cũng như áp lực từ những người cứng rắn trong nội bộ của Trung Quốc. Thương chiến không phải là một cuộc chơi chỉ do Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định như nhiều người vẫn tưởng. Nó còn liên quan đến nhiều nhóm trong số các cố vấn của hai lãnh đạo này cũng như những nhóm đối trọng của cả hai ông. Nói nôm na, ở cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tồn tại phe “chủ chiến” và “chủ hòa” trong đàm phán thương mại. Giới phân tích chính sách chỉ có thể nhìn vào từng câu tweet của Tổng thống Donald Trump và vài hành động của các thành viên đoàn đàm phán Trung Quốc ở Mỹ trong tuần để dự đoán.

Khi Trung Quốc “ngấm đòn” thương chiến thì có lẽ cũng không có gì là đáng vui cho Việt Nam. Những nền kinh tế đang phát triển chính của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ đều đang đứng trước rủi ro của một cuộc “tái cơ cấu” trên thị trường tài chính, với việc vỡ nợ trong tầm kiểm soát của một số tổ chức tài chính địa phương.

Vào giữa tuần, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm và việc phái đoàn của Trung Quốc ở Mỹ định đi thăm các nông trại của Mỹ khiến giới đầu tư yên tâm một chút, vì nó được diễn dịch là tín hiệu Bắc Kinh sẵn sàng mua thêm nông sản của Mỹ. Thế nhưng, vào cuối tuần, đoàn đàm phán Trung Quốc đã đột ngột cắt ngắn chuyến đi, bỏ qua lịch trình đi thăm một số nông trại Mỹ ở Montana và Nebraska, mà không đưa ra nguyên nhân cụ thể.

Thị trường cổ phiếu Mỹ giảm ngay 0,8% sau khi tin phái đoàn Trung Quốc hủy chuyến thăm các nông trại. Mặc dù là Mỹ vẫn đang bỏ bớt một số mặt hàng Trung Quốc ra khỏi danh sách mặt hàng phải tăng thuế vào cuối tuần, nhưng có một số phân tích cho rằng thật ra đây là các mặt hàng mà các nhà sản xuất Mỹ sẽ bị tổn hại nhiều hơn bởi thuế quan chứ không phải Trung Quốc (vì hàng nhập này là đầu vào quan trọng cho sản xuất ở Mỹ) nên nhiều cố vấn thân cận của ông Trump đã khuyên tổng thống bỏ các mặt hàng này ra khỏi danh sách đánh thuế. Điều đó có nghĩa là lựa chọn của phía Mỹ không phải là dấu hiệu xuống thang thương chiến, mà chỉ là bảo vệ lợi ích của Mỹ.

Những diễn biến này xảy ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ lắng nghe điều trần của một nhóm các nhà hoạt động chính trị Hồng Kông về tình hình ở đặc khu hành chính này của Trung Quốc. Các ủy ban của Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu về các vấn đề về dân chủ ở Hồng Kông. Phía Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ, chỉ trích Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, vì đã can thiệp vào nội bộ của nước khác.

Tóm lại, lại một tuần nữa Phố Wall mừng hụt về triển vọng đàm phán thương mại.

Trung Quốc đã thật sự ngấm đòn thương chiến?

Theo một số ước tính gần đây, tác động trực tiếp của chiến tranh thương mại lên Trung Quốc thật ra không quá lớn. Kinh tế gia Andrew Tilto của Goldman Sachs đã ước tính thuế quan đánh lên hàng hóa Trung Quốc trước tháng 8-2019 đã làm giảm GDP Trung Quốc khoảng 0,4%. Tác động gián tiếp lên đầu tư và niềm tin kinh doanh thì khó ước tính hơn, nhưng theo một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì khoảng 0,9% GDP.

Như vậy tác động của thương chiến đến Trung Quốc, làm nước này thiệt hại tổng cộng khoảng 1,3% GDP. Tuy con số này chỉ có tính tham khảo và không nhất thiết đã bao hàm tất cả tác động của thương chiến, nó cho ta một khái niệm về quy mô tác động của thương chiến tới Trung Quốc. Theo Gavyn Davies, Chủ tịch Quỹ Quản lý tài sản Fulcrum Asset Management và là một cây bút phân tích kinh tế vĩ mô thế giới sắc sảo, tổn thất này hoàn toàn có thể được bù đắp bằng những gói kích thích kinh tế gần đây của Trung Quốc và việc nhân dân tệ mất giá. Nói cách khác, Trung Quốc không bị ép đến mức phải thương lượng với Mỹ thật nhanh để kết thúc thương chiến. Hơn nữa, quyết định thương lượng của Trung Quốc liên quan đến thương chiến không phải chỉ bị quyết định bởi tác động kinh tế.

Tuy nhiên, thương chiến kéo dài sẽ làm nền kinh tế Trung Quốc trì trệ. Dù Trung Quốc có thể làm giảm nhẹ tác động của thương chiến, song họ không thể khiến nền kinh tế cất cánh trở lại. Khi đó, một vấn đề cố hữu của kinh tế Trung Quốc sẽ bộc lộ: nợ xấu. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vay tiền khá dễ dàng trong nhiều năm trước đã chi tiêu tràn lan, thiếu hiệu quả. Nhiều công ty của Trung Quốc vốn dĩ là những “xác sống” biết đi, đã trở thành “vỏ rỗng” hút vốn ngân hàng (và sau đó là những định chế tài chính “ngân hàng ngầm”) nhưng không tạo ra giá trị. Nay thì họ phải vỡ nợ khi Trung Quốc tiến hành cải cách hệ thống tài chính.

Sự đổ vỡ của cho vay ngang hàng trước đây ở Trung Quốc chỉ mới là một đợt cảnh báo. Gần đây, một số ngân hàng Trung Quốc đã phải được “cứu giúp”. Chủ tịch Peng Chun của Quỹ Đầu tư tài sản quốc gia (sovereign wealth fund) CIC của Trung Quốc, quỹ đầu tư tài sản quốc gia lớn thứ hai thế giới, vừa cảnh báo nhiều vụ vỡ nợ ngân hàng nữa sẽ diễn ra ở Trung Quốc trong thời gian tới. CIC vừa phải rót vốn hỗ trợ Hengfend Bank, một tổ chức tín dụng ở Sơn Đông đang gặp nguy cơ vỡ nợ.

Các nhà đầu tư Việt Nam chắc chắn không quên những khó khăn của những “ngân hàng 0 đồng” và tình trạng kiệt quệ thanh khoản cục bộ của Việt Nam vài năm trước. Khả năng này rất có thể sẽ xảy ra ở Trung Quốc trong thời gian tới. Điều này không nhất thiết liên quan đến thương chiến Mỹ - Trung, mà nằm ở bản thân việc các ngân hàng Trung Quốc cho vay không thận trọng và tăng trưởng nóng trước đây. Tuy nhiên, thương chiến khiến triển vọng kinh tế Trung Quốc bất định có thể khiến quá trình điều chỉnh này của hệ thống ngân hàng Trung Quốc thêm đau đớn. Có thể đến lúc đó, Trung Quốc mới thật sự “ngấm đòn” của thương chiến.

Vậy Việt Nam có nên vui?

Khi Trung Quốc “ngấm đòn” thương chiến thì có lẽ cũng không có gì là đáng vui cho Việt Nam. Những nền kinh tế đang phát triển chính của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ đều đang đứng trước rủi ro của một cuộc “tái cơ cấu” trên thị trường tài chính, với việc vỡ nợ trong tầm kiểm soát của một số tổ chức tài chính địa phương.

Trong khi đó, một số nền kinh tế khác như Thái Lan và Philippines được cảnh báo là có khả năng sẽ đứng trước một cuộc vỡ nợ với quy mô lớn hơn và có tính hệ thống hơn vì tính dễ tổn thương và độ mở của những nền kinh tế này. Kinh tế Thái Lan đang tăng trưởng chậm nhất trong vòng năm năm, với mức tăng trưởng kinh tế chỉ 2,3% trong quí 2 năm nay. Tăng trưởng kinh tế chậm thì tự nhiên sẽ đi chung với nhiều doanh nghiệp thua lỗ và khó trả nợ.

Đây là một kịch bản mà Việt Nam không thể xem thường. Tuy Việt Nam may mắn được xem là kẻ hưởng lợi từ thương chiến, ai thật sự được lợi trong quá trình di chuyển sản xuất vào Việt Nam trong thời gian qua vẫn chưa rõ ràng (xem bài Thương chiến Mỹ - Trung: đừng để trong làm ngoài hưởng của TS. Phạm Sỹ Thành trên TBKTSG số ra ngày 5-9-2019). Vì vậy, không nên chủ quan cho rằng Việt Nam đang rất khác với những nền kinh tế đang gặp rắc rối. Cho dù Việt Nam có thể đi ngược dòng xu thế này, việc những nước này gặp khó khăn với hệ thống tài chính của mình có thể khiến dòng vốn đổ ra khỏi nước của họ, khiến đồng tiền của họ thêm mất giá so với đồng đô la Mỹ. Khi đó, câu chuyện tỷ giá chắc sẽ “nóng” trở lại với những tranh luận liệu Việt Nam có nên phá giá theo họ hay cứ để tiền đồng ổn định.

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Hồ Quốc Tuấn (*)

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294475/dam-phan-thuong-mai-my--trung-pho-wall-mung-hut-.html