Đàm phán thương mại Mỹ - Trung trước 'giờ G'

Thông tin được các bên chính thức đưa ra chưa đủ để giới quan sát hài lòng về chuyển biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Người dân hồi hộp, giới đầu tư theo sát nhưng đa phần lo ngại.

Kể cả khi các vòng đàm phán đưa ra được thỏa thuận tạm thời, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã biến thành một cuộc đấu về chính trị và tư tưởng. (Nguồn: Financial Express)

Dù cả Washington và Bắc Kinh đều nói rằng, cuộc đàm phán thương mại cấp Thứ trưởng diễn ra tốt đẹp và “có tính xây dựng”, nhưng việc đột ngột cắt ngắn lịch trình, gấp rút trở về Bắc Kinh của đoàn Trung Quốc mang tới cảm giác có gì đó không trơn tru.

Trung Quốc hụt hơi

Trên tờ Fox News mới đây, nhà phân tích Helen Raleigh bình luận, Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán thương mại vào tháng 10 và Bắc Kinh vẫn tiếp tục hành xử cứng rắn trong các cuộc đàm phán, tuy nhiên điều đó không thể che giấu sự thật rằng Trung Quốc đã thua cuộc.

Đã có bằng chứng cho thấy, Trung Quốc “hụt hơi” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, dù Bắc Kinh chưa bao giờ thừa nhận. Theo số liệu của Chính phủ Trung Quốc, tốc độ phát triển kinh tế chậm chạp lại có xu hướng xấu đi trong tháng Tám, khi tăng trưởng về sản xuất công nghiệp ở mức thấp nhất trong hơn 17 năm qua. Trong bối cảnh tổn thương từ cuộc chiến thương mại với Mỹ tiếp tục lan rộng, nhu cầu trong nước ngày càng giảm đi, doanh thu bán lẻ và quy mô đầu tư cũng trở nên tệ hơn.

Tuy nhiên, những số liệu trên không làm cho các nhà chức trách Trung Quốc bỏ công khai mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay.

Hầu hết giới quan sát đều tin rằng, mục tiêu trên không thực tế và không phản ánh đúng thực trạng đi xuống của nền kinh tế. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Brookings, trên thực tế, nền kinh tế thứ hai thế giới chưa bao giờ đạt tốc độ tăng trưởng 6%/năm trong gần một thập niên. Quy mô thực của nền kinh tế Trung Quốc ước tính khoảng 10,9 nghìn tỷ USD, thấp hơn 18% so với con số báo cáo chính thức là 13,8 nghìn tỷ USD vào thời điểm năm 2018.

Các đòn tấn công thương mại liên tiếp của Tổng thống Donald Trump đã giáng mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc trong lúc sụt giảm và gây tác động nặng nề. Đòn thuế quan không chỉ làm giảm nhập khẩu hàng Trung Quốc mà còn khiến các công ty nước ngoài chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi nước này.

Trong khi đó, chiến lược gây thiệt hại cho nông dân Mỹ bằng cách áp thuế cao vào hàng nông sản để tạo sức ép, buộc ông Trump phải nhượng bộ đã thất bại. Vì dù chỉ trích chiến tranh thương mại, nhưng lá phiếu ủng hộ Tổng thống Trump tái đắc cử của nông dân Mỹ vẫn lên với khoảng 67%. Ngoài ra, bởi nhiều lý do khác nhau (trong đó việc đánh thuế 12% - 62%), giá thịt lợn - thứ mặt hàng thiết yếu ở Trung Quốc - đã tăng tới hơn 46% và có thể tăng hơn 80% vào năm tới.

Hiện Bắc Kinh không thể trông cậy vào người tiêu dùng để kích thích tăng trưởng vì giá nhiều mặt hàng thiết yếu đang bị đẩy lên, người tiêu dùng không sẵn sàng chi trả và sức ép lạm phát gia tăng. Bắc Kinh hy vọng các biện pháp kích thích kinh tế như cắt giảm thuế và hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp lớn cũng như chính quyền địa phương sẽ làm giảm hoặc thậm chí xóa bỏ tác động tiêu cực. Tuy nhiên, các dữ liệu mới nhất chính là hồi chuông báo động, cho thấy các biện pháp kích thích chưa đủ để xoa dịu thiệt hại từ cuộc chiến thương mại.

Trung Quốc đã loại một số nông sản của Mỹ, gồm đậu nành và thịt lợn ra khỏi danh sách áp thuế bổ sung có hiệu lực từ ngày 17/9. Đây được xem là động thái thiện chí của Bắc Kinh trước thềm cuộc đàm phán thứ 13 với Washington vào tháng 10. Tuy nhiên, đây dường như là biện pháp tuyệt vọng và tự cứu vãn của Bắc Kinh. Do thiếu hụt nguồn cung, Bắc Kinh vẫn cần thịt lợn từ Mỹ và động thái trên đồng nghĩa với việc Trung Quốc ngầm thừa nhận đã đuối sức.

Mỹ gặp rủi ro

Nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ là sự xói mòn lòng tin của người tiêu dùng. Nếu lòng tin của người tiêu dùng bắt đầu bị tổn thương, điều này sẽ vô cùng đáng ngại, bởi 2/3 nền kinh tế lớn nhất thế giới phụ thuộc vào tiêu dùng, cùng với đó, niềm tin của doanh nghiệp cũng đang suy giảm.

Rất nhiều tiền đang được đổ vào trái phiếu. Bất chấp rủi ro mà các nhà đầu tư đang phải đối mặt, họ có nguy cơ mất đi lợi nhuận dài hạn vì hiệu quả đầu tư thấp. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu đã giảm mạnh trong năm nay do các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục nới lỏng chính sách nhằm hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững. Đáng chú ý là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 18/9 đã hạ lãi suất lần thứ hai trong năm.

Nền kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ trải qua thời kỳ khó khăn vào đầu năm 2020 với tăng trưởng chỉ ở mức trên 1%. Tuy nhiên, tăng trưởng chậm không nhất thiết là do cuộc chiến thương mại hay thuế quan, mà chính sự bất ổn xung quanh cuộc chiến thương mại là nguyên nhân của sự giảm tốc. Người tiêu dùng bị tổn thương, nhà đầu tư lo ngại về những kịch bản tồi tệ, nên lựa chọn an toàn là cắt giảm đầu tư.

Kết quả là ngày 20/9, Mỹ công bố danh sách 437 mặt hàng Trung Quốc được miễn áp thuế. Động thái này có thể được coi là sự thừa nhận đối với tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại lên nền kinh tế Mỹ.

Như vậy, kết quả cuộc họp cấp Thứ trưởng (19-20/9) chuẩn bị cho vòng đàm phán tiếp theo chưa nói lên điều gì. Thậm chí, giới chuyên gia, các lãnh đạo doanh nghiệp và cả chính phủ hai nước đều cho rằng, kể cả khi các vòng đàm phán đưa ra được một thỏa thuận tạm thời, thì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng đã biến thành một cuộc đấu về chính trị và tư tưởng.

Ở Mỹ, Trung Quốc vẫn bị coi là đối tác không công bằng trong thương mại. Nếu Bắc Kinh hy vọng rằng chỉ cần chờ tới khi Tổng thống Trump thất cử vào năm sau để ký thỏa thuận thương mại với Mỹ, thì nên suy nghĩ lại. Trong cuộc tranh luận gần đây nhất của các ứng viên đảng Dân chủ, không ứng viên nào đề xuất loại bỏ thuế quan do ông Trump áp đặt lên Trung Quốc. Bởi vậy, ngay cả khi ông Trump thua cuộc, Trung Quốc chưa chắc gặp được một tổng thống thân thiện hơn tại Nhà Trắng.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dam-phan-thuong-mai-my-trung-truoc-gio-g-101738.html