Đàm phán trung chuyển khí đốt: Nga đang ở thế yếu?

Châu Âu, Nga và Ukraine cùng muốn gia hạn thỏa thuận nhưng Moscow chỉ cần 1 năm để hoàn thiện Nord Stream-2.

Ngày 19/9, các đại diện năng lượng của Liên minh châu Âu, Ukraine và Nga đã có cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) để đàm phán về những tiến bộ trong việc trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu qua ngả Ukraine trong bối cảnh hợp đồng hiện tại sẽ hết hạn vào năm nay. Trước cuộc tham vấn 3 bên sẽ có các cuộc gặp song phương.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak. Ảnh: Kyiv Post

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak. Ảnh: Kyiv Post

Các thành phần tham dự cuộc họp ba bên gồm có: Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, Giám đốc điều hành tập đoàn Gazprom Aleksei Miller, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách liên minh năng lượng Maros Sefcovic, Bộ trưởng Năng lượng và Bảo vệ Môi trường Ukraine Aleksey Orzhel và Giám đốc điều hành tập đoàn Naftogaz Andrei Kobolev.

Ông Sefcovic cho biết EC sẽ thúc đẩy tiến tới một hợp đồng trung chuyển dài hạn cho Kiev trong các cuộc tham vấn ngày 19/9, để tăng sức hấp dẫn cho hệ thống vận tải khí đốt của Ukraine, nhằm thu hút đầu tư vào quá trình hiện đại hóa hệ thống này.

Ukraine đã bày tỏ mong muốn được gia hạn hợp đồng 10 năm nữa với phía Nga bởi Kiev được hưởng 3 tỉ USD/năm bổ sung vào ngân sách từ hợp đồng này.

Đại diện Ukraine trước đó đã bày tỏ mong muốn về khả năng Nga sẽ gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt với khối lượng bơm tối thiểu 60 tỷ mét khối khí/năm hoặc thỏa thuận tăng khối lượng bơm lên tới 90 tỷ mét khối khí/năm.

Tuy nhiên, Moscow chỉ có nhu cầu gia hạn hợp đồng khí đốt thêm 1 năm để có thể tăng công suất và chuẩn bị đưa vào hoạt động đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream-2) và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream).

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết Moscow sẵn sàng gia hạn hợp đồng hiện nay thêm 1 năm nhưng cũng không loại trừ các khả năng khác.

Theo chuyên gia Anna Borisova của BloombergNEF, phán quyết của Tòa án Tư pháp châu Âu hồi đầu tháng này đang khiến Nga ở thế yếu hơn trong cuộc đàm phán 3 bên về vấn đề trung chuyển khí đốt này.

Tòa án Tư pháp châu Âu đã ra phán quyết, yêu cầu Nga giảm lượng khí đốt trên đường ống OPAL. Đường ống OPAL cho phép khí đốt Nga chảy từ dự án Nord Stream chạy dưới biển Baltic đến Đức.

OPAL là một phần của tuyến đường xuất khẩu khí đốt trực tiếp duy nhất của Nga đến châu Âu. Việc giảm lưu lượng khí đốt cho đường ống này đồng nghĩa với việc Nga phải tăng cường lưu lượng cung cấp cho các đường ống khác như thông qua Ukraine hay Nord Stream-2.

Trong khi Nord Stream-2 chưa thể thông dòng vào đầu năm 2020, việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine dường như là lựa chọn duy nhất cho Nga và Gazprom.

"Có khả năng, phán quyết của Tòa án khiến Nga rơi vào thế đàm phán yếu hơn với Ukraine về việc gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt" - bà Anna Borisova nhận xét.

Bên cạnh vấn đề đàm phán để có thỏa thuận trung chuyển khí đốt trong ngắn hay dài hạn, Nga và EU cũng sẽ xem xét việc chính quyền mới ở Ukraine có chấp thuận các tiêu chuẩn năng lượng của châu Âu hay không. Chính quyền Ukraine dưới thời cựu Tổng thống Petro Poroshenko đã từng cắt đứt việc trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu do các căng thẳng giữa Nga- Ukraine, sau đó đổ lỗi sự gián đoạn là do phía Nga.

Sự lộng hành của một quốc gia chỉ giữ vai trò trung chuyển như vậy đã khiến Nga thúc đẩy dự án Nord Stream-2. EU nhiệt tình ủng hộ dự án này.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đường ống chạy dưới biển Baltic này, Mỹ đã nhiều lần can thiệp, đe dọa trừng phạt và ra điều kiện Nga và EU sẽ phải tiếp tục kênh vận chuyển khí đốt qua Ukraine.

Trong tình huống này, Moscow không e ngại các lệnh trừng phạt nhưng các đối tác châu Âu của họ lại cần cân nhắc. EU ủng hộ việc tiếp tục chuyển khí đốt qua kênh Ukraine như một phần của việc hạn chế các lệnh trừng phạt của Mỹ song cũng xem xét việc chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy có thực hiện đúng các pháp luật của EU về năng lượng hay không.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dam-phan-trung-chuyen-khi-dot-nga-dang-o-the-yeu-3387938/