Dân 'bám víu' trong chung cư chờ sập giữa Thủ đô

Việc cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ đã và đang là vấn đề nóng đối với chính quyền các địa phương trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Tập thể G6A nguy hiểm cấp D vẫn còn nhiều hộ dân bám trụ kinh doanh tầng 1.

Tập thể G6A nguy hiểm cấp D vẫn còn nhiều hộ dân bám trụ kinh doanh tầng 1.

Gần một năm sau kế hoạch di dời của quận Ba Đình (Hà Nội) đối với các hộ dân sống trong chung cư cũ (CCC) được kiểm định nguy hiểm cấp D, song nhiều hộ dân vẫn chưa chấp hành và vẫn bám trụ trước nguy cơ… chờ sập.

Chậm tiến độ di dời

Thời gian qua việc cải tạo, xây dựng lại các nhà CCC đã và đang là vấn đề nóng đối với chính quyền các địa phương trong đó có Thủ đô Hà Nội. Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.579 CCC (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 7 chung cư và khoảng 306 CCC độc lập, đơn lẻ), chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến năm 1994, tập trung tại các quận vùng lõi.

Các CCC đều đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng, độ an toàn. Trong đó, quận Ba Đình có 211 nhà, quận Hoàn Kiếm có 99 nhà, quận Đống Đa có 415 nhà, quận Hai Bà Trưng có 244 nhà. Đa phần các CCC này đã được bán cho các hộ gia đình theo hướng dẫn của Chính phủ.

Tại kế hoạch số 335 (31/12/2021) về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội (đợt 1), UBND Thành phố đã giao UBND quận Ba Đình hoàn thành công tác di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D trong quý I/2022.

Đồng thời, tổ chức khảo sát, xác định số liệu liên quan đến nhà chung cư cũ, tổ chức kiểm định, nghiên cứu lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Ngoài ra, lựa chọn chủ đầu tư dự án các khu chung cư Thành Công, Giảng Võ trên địa bàn quận Ba Đình.

Quận Ba Đình đã rà soát, xác định các khu chung cư cần lập quy hoạch chi tiết, các chung cư độc lập cần lập tổng mặt bằng, có văn bản số 246 (16/2/2022) đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho ý kiến về ranh giới, quy mô diện tích nghiên cứu lập quy hoạch, tổng mặt bằng.

Về công tác di dời nhà nguy hiểm cấp D, theo báo cáo của UBND quận Ba Đình, tổng số hộ dân phải di dời là 174 hộ. Đến nay, quận Ba Đình đã tổ chức di dời được 128/174 hộ dân về nhà tạm cư, còn 46 hộ chưa đồng thuận di dời.

Cụ thể, các hộ chưa đồng thuận gồm: 1 hộ tại đơn nguyên 1,3 Tập thể Bộ Tư pháp, 3 hộ tại đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh, 3 hộ tại nhà 148 -150 Sơn Tây, 16 hộ tại đơn nguyên 3 nhà C8 Tập thể Giảng Võ và 23 hộ tại đơn nguyên 1,2 nhà G6A Thành Công.

Tập thể G6A Thành Công.

Không di dời sẽ cưỡng chế

Chung cư G6A Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Đình) là khu nhà được kiểm định nguy hiểm cấp D được chính quyền địa phương tuyên truyền vận động di dời từ đầu năm 2022 tuy nhiên nhiều hộ dân chưa đồng thuận.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ chiều 22/11, ông Ngô Ngọc Lâm - Chủ tịch UBND phường Thành Công cho biết, với tập thể G6A Thành Công được kiểm định nguy hiểm cấp độ D, hiện còn 23/49 hộ dân chưa đồng thuận việc di dời. Trước đó, tập thể nhà G6A đã được chính quyền vận động và 26 hộ dân được di chuyển về Lô E, Khu đô thị Yên Hòa.

“Tập thể G6A cần đập đi xây lại vì xuống cấp nguy hiểm, mong muốn của người dân là được tái định cư tại chỗ sau khi cải tạo xong. Mỗi căn hộ mới người dân mong muốn tối thiểu từ 60m2...”, ông Lâm thông tin.

Chủ tịch UBND phường Thành Công - Ngô Ngọc Lâm cũng cho biết, trên địa bàn phường hiện có hơn 80 nhà tập thể, bao gồm 4.684 căn hộ cao từ 2 - 5 tầng xây dựng từ những năm 1970 - 1985, kết cấu đa phần là tường gạch chịu lực, thi công bằng phương pháp thủ công và nhà kết cấu bê tông lắp ghép.

Diện tích căn hộ tại các khu CCC phần lớn từ 24m2 đến 36m2 không thỏa mãn diện tích ở. Cá biệt, có nhà chỉ khoảng 12m2. Đến nay, các nhà CCC này cơ bản không đáp ứng được tình trạng gia tăng dân số, điều kiện ăn ở của người dân.

“Không có nơi để xe, không có diện tích phơi quần áo, không có bể nước riêng... Trước đây, mỗi khu tập thể có bể nước chung, qua thời gian không đủ để đáp ứng cho người dân. Hiện, mỗi gia đình có một “bom nước” càng làm cho căn nhà đã xuống cấp lại càng xuống cấp.

Bên cạnh đó, khoảng 10 năm trước có hiện tượng cơi nới tự phát khiến thay đổi kết cấu ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Khu vực tầng 1 tập thể G6A đa phần các hộ còn kinh doanh..”, ông Lâm chia sẻ.

Trước mong muốn tái định cư tại chỗ, Chủ tịch UBND phường Thành Công cho biết, hiện phường có khoảng 27 nghìn dân. Bởi vậy, việc xây dựng mới chung cư phải đáp ứng các quy chuẩn mới về đô thị cũng như có kết nối đồng bộ với các khu vực xung quanh, tránh tình trạng tăng số lượng cư dân, dẫn tới việc quá tải về cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội.

“Với 23 hộ dân còn lại tại tập thể G6A đã được giới thiệu tái định cư về tòa nhà X1, X2, A1, A2 phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) song chưa đồng thuận...”, Chủ tịch UBND phường Thành Công thông tin và cho biết, trước đó (ngày 25/1/2022), quận Ba Đình đã ban hành kế hoạch số 146 về việc thực hiện di dời đối với các hộ còn lại. Trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc quận Ba Đình thực hiện cưỡng chế di dời đối với các hộ không chấp hành.

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dan-bam-viu-trong-chung-cu-cho-sap-giua-thu-do-post616410.html