Dân chưa bán điện được cho EVN: Vướng ở đâu?

Cho đến nay, EVNHCMC chưa mua được điện của hộ dân nào do vướng mắc trong quyết toán tiền điện đối với phần điện dư phát lên lưới điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang vận động người dân lắp đặt và sử dụng điện mặt trời áp mái, vừa cung cấp điện cho sinh hoạt gia đình vừa có thể bán ngược lại cho ngành điện qua đồng hồ 2 chiều nếu dùng không hết.

Theo Quyết định số 11/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và Thông tư số 16/2017/TT-BCT của Bộ Công thương, giá bán điện mặt trời bán lại cho ngành điện được quy định là 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 cent/kWh).

Cho đến nay, TP.HCM là thành phố dẫn đầu cả nước về số người lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.

Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM EVNHCMC), trên địa bàn thành phố đã có 860 hộ dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái và phát hơn 1 triệu kWh lên hệ thống lưới điện.

EVNHCMC đã chủ động triển khai kiểm tra thử nghiệm các yêu cầu kỹ thuật hệ thống điện mặt trời nối lưới theo quy định và lắp đặt điện kế 2 chiều miễn phí cho khách hàng có nhu cầu nối lưới.

Hàng tháng, các công ty điện lực khu vực tổ chức ghi nhận chỉ số điện năng tiêu thụ và chỉ số điện mặt trời phát lên lưới cho các khách hàng đã được lắp đặt điện kế 2 chiều.

5 bước nối lưới điện mặt trời được EVNHCMC hướng dẫn cho khách hàng

Lợi ích đối với mỗi hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện áp mái thì đã rõ khi tiết kiệm được tiền điện, nhưng ông Nguyễn Văn Lý cho hay, đến nay, EVNHCMC chưa mua được điện của hộ dân nào.

"Điện lực TP.HCM đã gắn điện kế 2 chiều và thực tế trao đổi với nhau bao nhiêu kWh đều đã ghi nhận được hết. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng vì chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức quyết toán sản lượng điện năng, thuế và việc phát hành hóa đơn GTGT.

Ví dụ, người dân một tháng sử dụng 1.000kWh, trong khi hệ thống điện áp mái của họ lắp đặt sản xuất được 300kWh, tức là người dân chỉ mua của điện lưới 700kWh.

Vấn đề là phải quyết toán sản lượng sòng phẳng: Ngành điện bán điện cho khách hàng có hóa đơn riêng, còn người dân bán cho ngành điện thì sao? Xuất hóa đơn để ngành thuế mới không thất thoát ngân sách. Nếu khấu trừ thẳng thì thuế chỉ đóng trên 700kWh.

Chính vì thế, hiện nay các bộ, ngành đang hướng dẫn để sửa đổi Thông tư 16. Có khả năng trong tháng 12/2018 sẽ sửa đổi xong và ngành điện sẽ thực hiện mua điện của người dân", Phó Tổng giám đốc EVNHCMC giải thích.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) thắc mắc: Ngành điện bán điện cho dân thì có hóa đơn, còn người dân bán cho ngành điện thì lấy đâu ra hóa đơn?

"Điều này có chút vô lý bởi trước nay người dân bán nhiều thứ cho các ngành không có hóa đơn. Khi người dân lắp đặt điện mặt trời áp mái, ngành điện đã lắp điện kế 2 chiều, người dân dùng hết bao nhiêu kWh của lưới điện, bơm vào lưới bao nhiêu đều ghi nhận được và đã rõ ràng.

Còn hóa đơn hay không chỉ là vấn đề thủ tục và việc này không phải do dân mà do các cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là bên tài chính, phải giải quyết chuyện này thông thoáng hơn, còn người dân làm sao có thể sản xuất ra hóa đơn được", ông Trần Đình Sính nhận xét.

Cũng theo Phó Giám đốc GreenID, nếu giải quyết được khúc mắc này, chắc chắn số hộ dân lắp đặt điện mặt trời áp mái sẽ tăng bởi người dân tính toán rất nhanh, hễ có lời thì sẵn sàng làm nhà sản xuất điện bán điện cho EVN nếu tiêu dùng không hết.

Trong khi đó, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm (Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam) cho rằng, ngành điện cũng cần thời gian để giải quyết vướng mắc nói trên.

Ông kể lại câu chuyện cách đây chừng 2 năm, tòa nhà Liên hợp quốc ở Hà Nội lắp đặt điện mặt trời mà phải mất hơn một năm trời mới được nối lưới vì khi ấy chỉ người sản xuất điện mới được đấu nối.

"Họ lắp đặt để dùng cho nội bộ, đến khi thừa điện thì muốn bán cho ngành điện nhưng ngành điện không mua vì ít quá. Họ lại xin biếu không nhưng ngành điện cũng không nhận. Đến giờ, tòa nhà này đã được nối lưới, tôi không rõ "số phận" phần điện dư thừa ấy như thế nào.

Nói vậy để thấy cái gì cũng có quy trình, việc chấp nhận cho người dân nối lưới đã là rất tốt. Ngành điện cần có thời gian xem xét, bổ sung", chuyên gia Ngô Đức Lâm nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/dan-chua-ban-dien-duoc-cho-evn-vuong-o-dau-3370636/