Dân có nguy cơ mất nhà vì xã muốn làm đẹp cảnh quan

Đang sinh sống, làm việc ổn định, bỗng dưng 9 hộ dân thôn Bồng Lai, xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, Hải Dương có nguy cơ mất nhà chỉ vì UBND xã muốn làm đẹp cảnh quan hồ Bồng Lai- nơi các hộ dân đang sinh sống.

Như PL&XH phản ánh ở số báo trước, tháng 6-2019, ông Phạm Quang Toan, Chủ tịch UBND xã Ninh Hải chỉ đạo cấp dưới liên tục đọc trên hệ thống loa của xã về việc sẽ giải tỏa hành lang giao thông hồ Bồng Lai. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 9 gia đình với trên 30 nhân khẩu sẽ phải di rời đi nơi khác mà không có một chính sách đền bù hay hỗ trợ.

Làm việc với PV, ông Toan đưa ra những lý do chứng minh việc người dân phải di dời như: Nơi họ ở liên quan đến di tích lịch sử chùa Bồng Lai; nằm trong hành lang mở đường nông thôn mới và cuối cùng là năm 2004, thanh tra huyện Ninh Giang từng có kết luận các hộ dân lấn chiếm đất công. Tại buổi làm việc này cho thấy sự thực là các hộ dân không nằm trong đất di tích, việc GPMB phục vụ cho việc làm đường bê tông nông thôn mới đã xong từ năm 2018, hiện không liên quan đến các hộ dân. Về kết luận thanh tra, những hộ dân này không phải đối tượng bị tố cáo và chưa bao giờ cầm trên tay kết luận hay trước đó từng làm việc với thanh tra huyện.

Bị liệt hơn 40 năm nên mọi sinh hoạt từ ăn, ở, di chuyển đến vệ sinh của bà Nguyễn Thị Nải đều phải nhờ cậy vào bà con hàng xóm. Ảnh: G.B

Bị liệt hơn 40 năm nên mọi sinh hoạt từ ăn, ở, di chuyển đến vệ sinh của bà Nguyễn Thị Nải đều phải nhờ cậy vào bà con hàng xóm. Ảnh: G.B

Ông Lê Đình Sâm nhớ lại, vào năm 1988, lúc đó hồ Bồng Lai còn hoang vắng, nước hồ còn khoét sâu cả vào con đường đất cạnh đó. Thời điểm này gia đình ông Sâm tiến hành lấp đất, xây kè để tạo nên 120m2 đất vừa dùng để ở, vừa dùng để bán hàng kiếm kế sinh nhai. Năm 2012, ông mạnh dạn đầu tư hệ thống máy lọc nước để kinh doanh lĩnh vực nước sạch. Thủ tục cấp phép từ xã, huyện và tỉnh đều đã xong, giờ đang yên ổn làm ăn lại phải nghe thông tin UBND xã muốn gia đình ông phải đi nơi khác khiến cả nhà không khỏi hoang mang.

Trong kí ức của ông Nguyễn Văn Mạnh, để có chỗ ở ổn định như ngày hôm nay thì vào những năm 1989, 1990, ông và người thân trong gia đình phải đi kéo từng xe đất để lấp vào phần diện tích đất ven hồ đang bị sóng nước gặm nhấm từng ngày. Giờ cuộc sống gia đình đều dựa vào chiếc máy nghiền ngô cùng việc chăn nuôi gà vịt. Nếu phải đi nơi khác, không biết cả nhà sẽ sinh sống ra sao. Cùng chung lo lắng như bao hộ dân cùng cảnh ngộ, chị Lê Thị Thanh Vin chỉ vào gian nhà cấp bốn kể, nơi này vừa là nơi ở, vừa là quán bán hàng ăn sáng nuôi sống hai vợ chồng chị và các con nhỏ. Việc ở quê tìm đã khó nay phải chuyển đi không hiểu cả nhà chị sống bằng nghề gì?

9 hộ dân nơi chúng tôi ghé tới đa số có hoàn cảnh rất khó khăn, nơi ở chỉ là những gian nhà cấp bốn được dựng lên từ rất lâu. Đáng thương nhất là hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Nải, SN 1957, bị liệt tứ chi hơn 40 năm. Ngần ấy năm bà chỉ biết ngồi một chỗ, mọi việc từ ăn, ở, vệ sinh… đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của bà con hàng xóm cùng các cháu học sinh. Nói đến chuyện phải đi, ánh mắt bà thảng thốt: “Tôi còn biết đi đâu nữa, bố mẹ qua đời hết cả. Có lần tôi tâm sự với mấy anh ở xã, hãy để tôi sống ở đây nốt quãng đời còn lại. Sau khi chết sẽ trao lại căn nhà này cho thôn, cho xã nhưng họ không nghe”. Cách nhà bà Nải không xa là nhà chị Bùi Thị Mận, vốn cũng bị tật ở chân từ nhỏ nên việc đi lại gặp khó khăn. Thương con nên từ những năm 1990, bố mẹ đã dựng cho chị gian nhà nhỏ. Giờ cuộc sống của chị trông cả vào quán nước. Căn nhà này nếu bị người ta lấy đi tới đây chị cũng không biết phải làm gì để nuôi thân.

Sự lo lắng của người dân có lý do khi mới đây, làm việc với ông Trần Xuân Thuận, Phó chánh Thanh tra huyện Ninh Giang, ông Thuận đều khuyên mọi người chuyển đi nơi khác mà không tính đến những chứng cứ pháp lý cụ thể. Ông Thuận căn cứ vào Kết luận thanh tra số 06/KL-TTr, ngày 11-6-2004 của Thanh tra huyện Ninh Giang.

Về Kết luận thanh tra, Luật sư Hoàng Văn Doãn, Văn phòng luật Hoàng Hưng giải thích. Kết luận này liên quan đến bên tố cáo là ông Lê Văn Thường và đối tượng bị tố cáo là ông Cấm, Chủ nhiệm HTX Bồng Lai. 39 hộ dân còn lại (trong đó có 9 hộ dân nói trên) mặc dù được nhắc đến trong kết luận nhưng không phải là đối tượng bị tố cáo. Quá trình xác minh hiện trạng, nguồn gốc đất chủ yếu được thanh tra huyện làm việc với lãnh đạo xã và cán bộ địa chính các thời kì từ 1986 đến 1999 và từ tài liệu quản lý đất đai chứ chưa làm việc trực tiếp các hộ dân (trừ ông Cấm và ông Hạnh đã được thanh tra huyện làm việc) nên rõ ràng nhiều người không hề biết có việc thanh tra cũng chưa được cầm trên tay kết luận thanh tra nên không thể coi kết luận là căn cứ chính để xử lý họ về hành vi mà chính quyền cho rằng họ lấn chiếm đất đai. Không thể coi người dân vi phạm đất đai trước một kết luận họ chưa từng biết, chưa từng được nói tiếng nói phản biện nếu như không đồng ý và chưa hề được làm việc với cơ quan thanh tra theo đúng quy định.

Kết luận cũng cho thấy, các hộ dân chưa lần nào bị UBND xã và các cấp liên quan nhắc nhở hay xử phạt. Sau này, 30 hộ dân đã chuyển đi nơi khác, chỉ còn 9 hộ dân vẫn ở lại cho đến thời điểm hiện tại. Căn cứ vào Luật Đất đai năm 1993, cũng như Luật Đất đai sửa đổi ở thời điểm hiện tại họ đủ điều kiện được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dan-co-nguy-co-mat-nha-vi-xa-muon-lam-dep-canh-quan-159186.html