Dân Co Xàu hát Wàng Dà

Co Xàu xưa và nay vẫn là chợ huyện to nhất, sầm uất nhất, đẹp nhất vùng miền Đông của tỉnh Cao Bằng. Đây là nơi thông thương gạo, muối, vải vóc với các huyện Hạ Lang lên, Trà Lĩnh xuống, Quảng Nguyên ngược. Phích nước, vỏ chăn con công, nước hoa Bà đầm xòe... từ Trịnh Tây (Trung Quốc) đến.

Có người nói hai chữ Co Xàu, theo dân gian từ co mạy xau mà ra. Cây Xau Xau như báo chí ngày nay hay nói đó. Các mẹ các chị vẫn lấy lá xau xau mang về giã lấy nước. Một thứ nước có màu đen nhánh thơm dịu đem gạo nếp vào ngâm. Nửa ngày sau mang lên bếp đồ, được một thứ xôi đen nhưng nhức.

Xôi đen trở thành một món ăn đặc sản không ở đâu có. Lại nghe một ông đồ già nói rằng Co Xàu từ Cổ Lâu mà ra. Tức lâu đài cổ, nghĩa là vùng đất này có chủ từ rất lâu đời rồi. Giải thích thế nào cũng có lý. Hậu sinh chỉ biết nghe vậy.

Cách đây 5 năm, có một người đàn ông vốn là dân Co Xàu chính gốc. Chú ấy là người Nùng giải thích rằng các bác hiểu sai hết. Bác thì bảo tên nó là Cô Sầu mới phải. Còn bác kia thì cho rằng Co Sầu mới đúng. Nhưng bọn em là dân bản địa, nói Co Xàu là chuẩn nhất. Nghĩa của nó là ăn đụng bữa tối. "Co" trong tiếng Tày Nùng là đụng. Góp tiền vào ăn chung là "kin co".

Một phiên chợ của người Tày.

Còn "Xàu" tiếng Nùng chúng em nói là bữa tối. Người Tày gọi là "pjầu" "kin pjầu" là ăn tối, cũng có nơi gọi là "sầu" "kin sầu". Không sao cả. "Sầu" hay "xàu" đều cùng một nghĩa. Còn nhớ năm 1962 có một ông nhà thơ người Kinh, từ Hà Nội lên thăm huyện nhà và để lại bài thơ Chợ Cô Sầu. "Chợ Cô Sầu chẳng thấy ai sầu…". Vậy là càng rõ, các bác đều hiểu sai bản chất của vấn đề hoàn toàn không lạ.

Cũng nên thông cảm cho người ta, vì họ không biết tiếng Tày Nùng, nên Co Xàu lập tức hiểu là Cô Sầu. Sầu là sầu thảm, hiểu theo cách của người Kinh. Cô gái sầu thảm. Hoàn toàn sai bét. Người Tày Nùng gốc gác ở đây không ai nói chợ Cô Sầu. Mà là chợ Co Xàu. Người Nùng ở phố không phát âm Â. Ví dụ "co khảu" là cây lúa. Chứ không nói thành "co khẩu" như người Tày trong làng. "Lảu màu dá" say rượu rồi, chứ không nói "lẩu mầu dá" như người Tày. Cho nên gọi theo cư dân gốc là Co Xàu mới đúng.

Chợ Co Xàu nằm rải ra ba bên chân núi Phja Phủ. Nói chính xác là Phja P'u. Nghĩa là Núi Fu núi võ. Fu trong Kungfu. Đó là một quả núi thấp nhỏ, hoàn toàn độc lập, tròn đều như chiếc bát úp. Phja Phủ đứng chân trên một dải đất tương đối bằng phẳng. Từ đỉnh núi này có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng sơn địa. Trên vách đá phía Tây, người xưa đã khắc lên một bài thơ. Bài thơ nói đây là núi võ. Nơi sản sinh những anh hùng hảo hán chống bọn giặc cướp của, giết người, ức hiếp phụ nữ. Ngày nay, bài thơ đó chưa bị mưa nắng làm mờ. Chữ vẫn còn rõ nét.

Người Tày Nùng định cư ở Co Xàu từ ngày có các bà Giả Cung, Giả Ke nấu cháo bột báng bằng niêu đất, kê đá làm kiềng bên bờ núi. Ngày nay vẫn còn dấu vết, chưa mất hẳn. Đi tới đâu cũng gặp những mảnh sành, những vết khói đen, bám lên bờ vách đá. Thậm chí bọn trẻ trâu còn lượm được lưỡi rìu bằng đá mài. Quả cân bằng đồng. Đồng tiền bằng vỏ ốc…

Nhìn những dãy phố thẳng hàng, vuông vắn như bàn cờ. Ai dám bảo đây là nơi thâm sơn cùng cốc. Có thể nói phố cổ Co Xàu mang dáng dấp đô thị thời Xuân Thu Chiến Quốc. Những ngôi nhà được xây nhà bằng đá hộc. Đá kết dính với nhau bằng vôi tôi trộn với đất đồi Kéo Lồm. Quê tôi ngày đó làm gì có xi măng cốt thép như bây giờ. Thế mà nhà cửa vẫn được xây cất bề thế, kiên cố và khá đẹp mắt. Nhà một gian, hai ba gian, hình ống, kế tiếp nhau. Nhà nọ sát nách nhà kia, xếp thành hàng thành lối. Nhà nào cũng lắp những cánh cửa bằng gỗ nghiến, dày hàng thuốn. Thực chất, đó là những tấm phản chân mộc, không chắp ghép, không chạm khắc, không đẽo đục, không gọt bào. Phản đã lên nước màu thời gian đen bóng như xi đánh giày. Lớp nọ đè lên lớp kia, dày hàng ly. Mỗi khi có người nhà ra đóng mở, hai cánh cửa kêu kột kạt một cách đĩnh đạc trầm hùng.

Thị trấn dù có bé nhỏ, nhưng vẫn được cổ nhân phân chia rành rẽ thành các phố Háng Vài (Hàng Trâu); phố Háng Mu (Hàng Lợn); phố Háng Cáy (Hàng Gà); phố Nhả nhùng (Hàng cỏ)... Kẻ đi chợ thong thả vung tay, từ phố nọ sang phố kia cháy chưa hết điếu thuốc coóc woài, là đã hết đất.

Ngày ấy, cứ chiều về, bà con lại quẩy đôi thùng gỗ thông, hoặc thùng tôn, toòng teng kéo thành đoàn đến làng Hiếu Lễ lấy nước sạch về dùng. Mỏ nước làng Hiếu Lễ bốn mùa trong vắt. Có lẽ đấy là tài sản lớn nhất, độc nhất của làng, mà tôi khoe cùng các bạn. Dân Co Xàu uống nước nguồn Hiếu Lễ nên họ có tình cảm đặc biệt sâu nặng với những người dân ở làng đây.

Ngày nay, nước ăn không còn là vấn đề nan giải nữa, người Co Xàu đã có nước giếng khoan. Một thứ nước mà những người thành phố quen dùng nước máy đã phải thốt lên: Đây mới là nước siêu sạch! Bởi vì người ta không dùng hóa chất tẩy rửa. Nước để lâu ngày trong bồn mà không đóng cặn. Có thể uống trực tiếp mà chẳng hề gì. Đây là một bước ngoặt đáng kể về môi trường nước sạch ở Co Xàu.

Ở cái phố huyện này có khá nhiều người Kinh. Họ sống xen kẽ hòa đồng với người Tày Nùng. Thời bấy giờ, các cụ chạy giặc cướp, giặc đói đến từ Đình Bảng Bắc Ninh, từ Chợ Viềng - Nam Định, từ Sáu Kho - Hải Phòng, đến từ Kiến Xương - Thái Bình... Đất lành chim đậu. Các cụ mua đất dựng nhà, làm quán bán hàng, rồi lấy vợ sinh con. Khi các cô cậu lớn lên, họ lại cưới vợ gả chồng.

Phiên chợ vùng cao còn là ngày lễ hội của người dân nơi đây.

Dân tản cư đến đây mang theo nghề buôn muối, buôn gạo, nghề cắt tóc, thợ may, chụp ảnh, nghề làm phở, bún thang, thịt chó… Từ già đến trẻ họ đều nói thành thạo tiếng Tày Nùng. Giọng nói Co Xàu đi từ cửa miệng người Kinh nghe khít khao, mặn mòi hơn dân bản địa. Trai gái người Kinh hầu như ai cũng biết tí chút hà lều, sli giang, lượn then. Xem ra, người Kinh rất thích nghe hát dân ca như người Tày Nùng.

Từ xưa tới nay, chợ Co Xàu tuyệt nhiên không có kẻ cắp. Không có người ngửa tay ăn mày, ăn xin. Chỉ có người già cô đơn không nơi nương tựa hay những đứa trẻ mồ côi cơ nhỡ, vì cái ăn cái mặc, họ phải đi hát rong. Họ hát rằng: "Mùa rẫy con không về giúp cày. Mùa ruộng con không tới giúp cấy. Nay thành lúa thành ngô. Con lại đến xin chủ nhà vài hột. Để con ăn vào người thành máu. Đặng giúp ông bà, cô bác, anh chị nuôi muỗi...". Người cho bơ gạo, củ khoai. Người thì con cá, xâu thịt rừng hun khói… Nhận quà xong, họ dán một mẩu giấy hồng điều, có in hình con trâu cách điệu lên cánh cửa. Con trâu là biểu tượng gia sản kếch sù của người Tày Nùng. Họ chúc nhà ta ăn ra làm nên suốt đời giàu có. Rồi họ chắp tay cúi mình cảm tạ.

Ở miền núi, người ra chợ không nhất thiết phải mua bán. Có khi trong túi chả có mấy hào quà. Mẹ tôi hay nói: "Đi chợ khác có tiền. Vung tay khác có bạn". Đến bây giờ tôi mới hiểu ra. Họ đi chợ là để tiêu buổi tâm tình. Uống với nhau bát rượu gạo. Nhìn thấy mặt nhau là đỡ khát. Người miền núi họ chỉ khát tình người, chứ ít khi khát tiền bạc. Ngày ấy có các thày giáo trẻ người miền xuôi lên Phủ Trùng dạy học. Các thầy cô cũng hay rủ nhau đi chợ chơi như thanh niên trong làng. Họ xuất hiện ở đâu là khiến người ta liếc trộm. Các thầy giáo người Hà Nội đấy. Đẹp trai chưa nào. Cô giáo kia xinh quá. Nhìn thích mắt lắm. Người như nàng tiên…

Bất chợt ở cuối chợ, ai đó cất lên câu hát Woàng Dà. Câu hát kể về chàng hoàng tử ngồi trong cỗ xe song mã phấp phới lính hầu. Cỗ song mã chạy roong roong từ đầu chợ đến cuối chợ. Cờ vàng lọng tía bay phấp phới. Bụi tung mù mịt. Dân đi chợ đổ xô dẹp đường cho hoàng tử. Chỉ có A Slao mồ côi cả mẹ lẫn cha từ ngày còn rất nhỏ, cô vẫn đứng một chỗ không nhúc nhích.

Vẻ mặt A Slao có phần nghễnh ngãng, thơ dại. Nàng đứng giữa đường, chặn cả đoàn xe hoàng tử lại. A Slao muốn ngắm nhìn hai chú ngựa hồng mao, đang tiến về phía mình. Mắt A Slao to đen như nai con, nhìn mà không biết chớp. Da A Slao trắng hồng, tỏa ra mùi hương hoa bjooc loỏng. Môi A Slao tươi đỏ, đẹp như trái tim treo dưới mũi.

Người A Slao thắt đáy lưng ong. Hoàng tử đã nhìn thấy A Slao từ xa. Khi tới gần, chàng nhảy phắt xuống xe, thoăn thoắt bước tới gần, âu yếm nhìn và nhúm cười với A Slao. Cô bé lọ lem không hay có chuyện gì đang xảy ra với mình. Nàng cứ đứng ngây như tượng, không hề nhúc nhích. Một khắc im ắng trôi qua. Hai khắc im lặng trôi qua. Bất ngờ chàng hoàng tử dõng dạc tuyên bố trước bàn dân thiên hạ: Từ nay ta không trở về hoàng cung nữa. Rồi chàng cởi hết mũ áo vua ban, cầm lấy mũ nồi, mặc áo chàm cài khuy ngang, chân đi hài cỏ. Chàng chắp tay cúi lạy mọi người, xin cho chàng được rể phố thị Co Xàu.

Các thày không hiểu gì. Mắt thì nhìn. Miệng thì cười. Mặt thì sáng. Mớ tóc loăn xoăn dựng ngàn dấu hỏi.

Y Phương

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/dan-co-xau-hat-wang-da-507711/