Dẫn em đi chơi

Nói dẫn, tại lần đầu tiên em tới Pháp, chứ em đã du lịch nhiều. Em đến đúng ngày khu phố có chợ trời, ngạc nhiên không nghĩ có chợ trong thành phố. Chị kêu đúng ra phải nói 'Thành phố trong chợ', bởi qua chợ nhìn ra sức mạnh của chính quyền. Với nhiều người, khi được hỏi nhớ gì nhất ở Paris, một trong những xác nhận đầu tiên là chợ trời.

Pont du Gard và nhóm học sinh Ý. Ảnh: Việt Linh

Xuất hiện từ trăm năm, Paris hiện có hơn bảy mươi chợ nhóm cố định. Trung bình cứ khoảng 1 ki lô mét đường kính có một chợ. Tùy theo mật độ dân mà mỗi chợ có hai-ba buổi/tuần. Thí dụ khu chợ nhà chị diễn ra thứ Tư, thứ Bảy; chợ hướng Tây thứ Năm, Chủ nhật; chợ hướng Nam thứ Ba, thứ Sáu, Chủ nhật. Có nghĩa bạn có thể đi chợ suốt tuần nếu muốn, và người bán có thể rong buôn chợ này sang chợ khác.

Do chỉ sinh hoạt buổi sáng, chợ trời ưu tiên phục vụ nhu yếu phẩm, nhưng ấn tượng độc đáo của chợ Paris là phương thức điều phối: thành phố nhượng quyền quản lý cho các công ty thương nghiệp, chịu trách nhiệm dựng sạp, vệ sinh lúc chợ tan. Nếu chọn góc máy cố định bạn sẽ có bộ ảnh theo trình tự: góc phố vắng, khung sạp được dựng lên chiều hôm trước cho khai chợ hôm sau; tàn chợ, công nhân vệ sinh trả lại nguyên trạng.

Em hỏi sao không giữ chợ cố định, mà lu bu dựng dẹp? Thứ nhất, để thành phố không nhếch nhác. Thứ hai, có thể sử dụng luân phiên các khung sạp, và lớn hơn, tạo việc làm cho biết bao người. Đàng sau cái “lu bu” là tổ chức khoa học: các mặt bằng dựng chợ phải có sẵn lỗ cắm khung cùng quy cách, cơ quan chuyên trách phải có lộ trình dựng, dẹp...

Với hơn bảy mươi điểm luân lưu, chợ trở thành dấu ấn đặc thù thiết thân, sống động của Paris. Ngoài những lợi ích như thực phẩm tươi, giá thấp...; các ý kiến điều tra đều nêu khía cạnh nhân văn của chợ, nơi níu giữ mối quan hệ láng giềng đang phôi pha trong cuộc sống đô thị. Có vẻ như đó mới là điều thành phố Paris nhắm đến khi bảo tồn chợ. Nói thành phố - đúng hơn bản chất của thành phố - trong chợ là vậy.

Dẫn em vô nghĩa trang Père La Chaise thăm mộ Balzac - tác giả tiểu thuyết Eugenie Grandet mà em mới xem kịch ở quê. Sẵn đưa em thăm mộ huyền thoại Victor Noir. Lịch sử viết năm 1870, nhà báo đấu tranh chống chế độ quân chủ chuyên chế bị em họ Napoléon III bắn chết, rằng nghìn nghịt dân Paris khi đó đã xuống đường thương tiếc người đàn ông điển trai đã trở thành biểu tượng cho những giá trị Cộng hòa. Để giữ di ảnh thần tượng, nhà điêu khắc Jules Dalou đúc tượng đồng toàn thân Victor Noir nằm trên mộ, với tư thế “buông thả”: môi mở, áo phanh ngực, quần không cài nút... Hơn trăm năm gió sương, tượng bị oxy hóa, chỉ riêng “chỗ đó” là bóng láng! Sự tinh nghịch khiêu khích huyền thoại của ai đó đã thành hiện thực khi nhiều du khách nữ thích chạm tay cầu phúc. Cử chỉ “không thích hợp” này - như cách nói của những người quản trang - khiến nhà nước quyết định... rào mộ lại. Bị phản đối phá hỏng cảnh quan, chỉ sau một tuần chắn nhốt, chính quyền phải ra lệnh giải phóng mộ với tuyên bố: “Thành phố Paris tin tưởng trách nhiệm của người dân”. Chẳng biết lòng tin được đáp tới đâu, chỉ thấy mộ Victor Noir càng nổi tiếng! Em lý thú nhận ra mấy “vết sai” vẫn lưu trên nền đất.

Thăm Nhà thờ Đức Bà, chị nói lịch sử kể một buổi sáng năm 1970, người ta bàng hoàng phát hiện trên đỉnh nhà thờ phất phơ cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Bàng hoàng không chỉ bởi câu hỏi ai là tác giả, mà bởi không hiểu cách nào trong một đêm, người ta có thể bí mật leo lên cái độ cao, mà sau đó để mang cờ đi, chính quyền phải viện đến trực thăng. Em sinh năm 1985, tốt nghiệp đại học, giương mắt nói chưa bao giờ thấy/nghe cờ Mặt trận (!). Không thể trách em không biết những tồn tại trước khi em sinh ra, nhưng buồn giới trẻ không quan tâm lịch sử. Buồn hơn, sách giáo khoa không trân giữ một giai đoạn chiến đấu của nhân dân Việt Nam đã trở thành biểu tượng lương tri của loài người tiến bộ.

Đi thăm Pont du Gard - một trong những công trình cổ đại nhất do người La Mã xây dựng ở miền Nam nước Pháp, em cứ tấm tắc vẻ đẹp hùng vĩ của cây cầu dẫn nước xây thế kỷ thứ I, được UNESCO công nhận di sản năm 1985. Nhìn đám trẻ con tiểu học ngồi với giáo viên trong ngợp ngợp du khách, em thích thú khen chương trình học sử trực quan, tròn mắt khi biết đó là học sinh Ý đi thăm công trình vĩ đại của tổ tiên, dù nó đang ở trên xứ... thiên hạ! Em than sao xứ mình người ta dễ bỏ những công trình, di sản của tổ tiên vậy...

Còn vài ngày cuối, dẫn em chơi loanh quanh Paris. Em hỏi sao thủ đô quá nhiều cây, quá nhiều hoa. Rằng bởi thành phố luôn có một phó thị trưởng chuyên trách mảng xanh. Rằng các đời thị trưởng mấy mươi năm nay đều giành giật không gian cho người đi bộ/xe đạp. Chỉ em con đường được chia đôi, phần cho xe hơi ken chật, phía xe đạp lưa thưa. Em tròn mắt kêu xe đạp ít sao để đường rộng ngang nhau. Chị nói đây cũng là câu hỏi của phe chống, nhưng bà thị trưởng Anne Hidalgo tuyên bố “Phải có đường trước người ta mới đi”. Xã hội văn minh, đường đi trước.

Việt Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275814/dan-em-di-choi-.html