Dân không đi con đường nghìn tỷ - trách nhiệm thuộc về ai?

Dư luận tiếp tục đặt câu hỏi, đâu là hiệu quả kinh tế xã hội của con đường nghìn tỷ hiu hắt chỉ có 15-20 lượt phương tiện qua lại mỗi ngày ở Lai Châu?

Theo một chủ doanh nghiệp ở tỉnh Lai Châu cho biết, đường tỉnh 134 bắt đầu từ Bản Bo xã Mường Giôn - Quỳnh Nhai - Sơn La đến bản Pá Ngừa, xã Tà Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, vượt qua hồ thủy điện Bản Chát bằng phà, sau đó nối với Quốc lộ 32 tại khu vực đèo Khau Riềng, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Tuyến đường 133 song song với tuyến 134.

Song song với tuyến đường này là tỉnh lộ 133, từ xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên đi qua các xã: Thân Thuộc, Nậm Cần, Nậm Sỏ và nối với vùng thấp Sìn Hồ, một nhánh nếu được đầu tư tốt sẽ đi lại thuận tiện sang Quỳnh Nhai, Sơn La. Tuyến 133 này đi qua nhiều vùng đông dân cư, chính vì thế khi đầu tư tuyến 134 mới dẫn đến việc không người qua lại:

"Tuyến đường này tôi thấy đầu tư không có hiệu quả, đấy là quyết định của cấp trên còn người dân thì vất vả", một người dân cho biết.

Tuyến đường 133 đi qua nhiều xã, bản đông dân cư. Nếu được nâng cấp sẽ hiệu quả hơn và không lãng phí như mở mới tuyến 134.

Qua tham khảo ý kiến một số cán bộ và những người đi lại, cung cấp hàng hóa, dịch vụ hay đi qua khu vực này, họ đều có nhận định, đánh giá: Với số tiền đầu tư tuyến 134, chỉ cần bỏ ra một phần để nâng cấp tuyến 133 sẽ đạt hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với mở mới hoàn toàn tuyến đường 134.

Anh Giàng A Lử, dân tộc Mông ở xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên cho biết, Nhà nước chỉ cần nâng cấp tuyến đường 133 thì sẽ góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương và như thế sẽ giảm rất nhiều chi phí so với mở mới hoàn toàn tuyến đường 134.

"Nếu nhà nước cố gắng rải nhựa đường này từ đây đến Sơn La thì bà con đi tiện hơn rất nhiều", anh Lử nói.

Anh Trương Phi Vũ, lái xe tải, nhà ở thị trấn Tân Uyên thường xuyên chở hàng hóa trên tuyến 133 cho biết, việc đầu tư tuyến 134 quả là lãng phí, vừa không có người qua lại, xe tải cũng chả dám đi vì quá vắng vẻ, không bán được hàng hóa, đường cua gấp có nguy cơ sạt lở lớn, nếu xe cộ có hỏng hóc cũng đành chịu.

"Đường 133 rộng hơn, dân cư nhiều hơn, chẳng may hỏng hóc còn có nhà dân, đường 134 ít người đi, đường hay sạt lở. Chúng em lái ô tô toàn đi đường này, tất cả các xe dưới xuôi đi đường này hết. So với đường 134 thì đường 133 thuận tiện hơn. Sang bên Sơn La thì không phải qua cầu qua phà. Nhà nước nên đầu tư đường 133 để thuận lợi phát triển kinh tế các bản", anh Vũ cho hay.

Dự án 134 được đầu tư gần như bỏ không, lãng phí chồng lãng phí.

Làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh- đơn vị được tỉnh Lai Châu giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án từ Ban quản lý Dự án bồi thường di dân tái định cư tỉnh Lai Châu từ năm 2016 và là chủ đầu tư hạng mục phà Khau Giường để làm rõ thêm về chủ trương đầu tư và đánh giá bước đầu về hiệu quả của dự án đường liên vùng 134, ông Hà Văn Phong, Phó giám đốc từ chối trả lời và cho rằng, Ban chỉ tiếp nhận hồ sơ từ chủ đầu tư trước là Ban quản lý di dân tái định cư (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp tỉnh).

Dự án đường liên vùng 107, nay là tỉnh lộ 134 là công trình có tổng vốn đầu tư "khủng" tại tỉnh nghèo Lai Châu. Trong khi với điều kiện của một tỉnh có hạ tầng kỹ thuật, kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn 24,98%; nhiều trường học, trụ sở Ủy ban nhân dân các xã cần được đầu tư kiên cố hóa đang không có vốn, thì dự án con đường gần một nghìn tỷ này được đầu tư gần như bỏ không, lãng phí chồng lãng phí.

Việc sử dụng nguồn trái phiếu chính phủ có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất ở những vùng khó khăn. Từ thực tế đầu tư trên tuyến đường liên vùng 134 tại Lai Châu rất cần sự vào cuộc thanh, kiểm tra, giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh nghèo bậc nhất cả nước này./.

Thanh Thủy, Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dan-khong-di-con-duong-nghin-ty-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-980953.vov