Đan lát - nét văn hóa của người Dao Yến Dương

Bên cạnh việc giữ gìn những bộ trang phục sặc sỡ sắc màu, người Dao Quế Lâm ở xã Yến Dương (Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) còn lưu giữ nghề đan lát truyền thống, tạo nên những sản phẩm đặc sắc, bền chắc phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

Ở xã Yến Dương (Ba Bể), người Dao Quế Lâm sinh sống chủ yếu ở hai thôn vùng cao Nà Pài và Phiêng Phàng. Nơi đây, người dân vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có nghề đan lát truyền thống. Theo người dân ở đây, nghề đan lát truyền thống có từ lâu đời và vẫn được duy trì, lưu giữ đến tận hôm nay, tạo nên nét đặc sắc riêng biệt.

Năm nay 72 tuổi, nhưng ông Triệu Hữu Vượng, người Dao ở thôn Nà Pài đã gắn bó với nghề đan lát truyền thống đến nay được hơn 30 năm. Với đôi bàn tay khéo léo, ông đã tạo nên nhiều sản phẩm đặc sắc, bền chắc phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và trở thành hàng hóa khi được nhiều người tiêu dùng đặt hàng.

Ông chia sẻ: Nguyên liệu chính dùng để đan lát là các cây trúc, vầu, mai. Tuy nhiên, khi dùng nguyên liệu là cây trúc thì sản phẩm làm ra có màu sáng, đẹp, vì vậy các hộ đan lát ở Nà Pài vẫn ưu tiên dùng cây trúc làm nguyên liệu. Khi chọn trúc phải chú ý chọn những cây thẳng đều, dài, không bị gãy hay bị sâu... để khi đan không phải chắp nối nhiều đoạn, sản phẩm làm ra cũng đẹp hơn.Sau khi chọn được nguyên liệu đủ tiêu chuẩn, cắt trúc thành từng đoạn theo từng sản phẩm đan, tiếp đến là chẻ, chuốt nan. Chẻ nan mỏng hay dày tùy thuộc vào từng sản phẩm đan. Những người làm nghề đan lát ở đây đều chú trọng đến việc chuốt nan sao cho có độ nhẵn, đều, để khi đan các nan khít vào nhau và không tạo ra khe hở thì sản phẩm mới bền đẹp.

Hiện nay ở Phiêng Phàng và Nà Pài chỉ còn khoảng 6 hộ là lưu giữ được nghề đan lát thủ công truyền thống của người Dao Quế Lâm. Trong các sản phẩm đan lát của người Dao nơi đây, tiêu biểu nhất là đan mẹt, dần, sàng, gùi. Để hoàn thiện một sản phẩm phải mất 1 đến 2 ngày, sau khi hoàn thiện sản phẩm được cất trên gác bếp để hun khói để tránh mối mọt, giúp đồ bền hơn.

Ông Vượng cho biết thêm, đan lát đòi hỏi đôi tay khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ, tùy vào từng loại sản phẩm mà sử dụng các kỹ thuật đan và hoa văn đan khác nhau. Mỗi một sản phẩm khi hoàn thiện đều thể hiện tình cảm, nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của người Dao Quế Lâm.

Để phát huy những giá trị văn hóa của người dân ở Phiêng Phàng và Nà Pài, HTX Yến Dương đã tập hợp những người có tay nghề đan lát để thành lập tổ đan lát thủ công truyền thống. Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng của huyện mở lớp dạy nghề đan lát các sản phẩm rổ, rá, mẹt, gùi...để nâng cao độ tinh xảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đưa sản phẩm phát triển theo hướng hàng hóa.Hiện nay, nghề đan lát truyền thống ở Nà Pài và Phiêng Phàng chủ yếu là do người lớn tuổi duy trì. Trước nhịp sống hiện đại, lớp trẻ đã không còn hứng thú với nghề vì có thể mua các vật dụng bằng nhựa hay inox... ở chợ vừa rẻ vừa đẹp. Dù vậy, đan lát luôn là niềm tự hào, là nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông để lại, gắn bó lâu đời với người Dao Quế Lâm nơi đây. Việc lưu giữ và duy trì nghề truyền thống này trong nhịp sống hiện đại ngày nay thật đáng trân quý.

TK (Theo baobackan.com.vn)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nhin-ra-tinh-ban/dan-lat-net-van-hoa-cua-nguoi-dao-yen-duong/209474.htm