Dân lo ngại nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy Công ty Rạng Đông: Ai nên đi khám và khám ở đâu?

Không phải tất cả các trường hợp tiếp xúc với đám cháy trong vụ cháy Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông đều phải đi khám.

Chia sẻ về những lo lắng của người dân liên quan đến ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt liên quan đến ngộ độc thủy ngân, lưu huỳnh sau vụ cháy Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông (phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), chuyên gia Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, người dân không nên quá hoang mang, tuy nhiên không nên chủ quan.

Ai là người nên đi khám? Khám ở đâu? Nếu phát hiện nhiễm độc thủy ngân cần làm gì?

Theo BS Nguyên, thủy ngân được sử dụng trong bóng đèn huỳnh quang ở lượng nhất định. Bình thường, nguy cơ gây nhiễm độc thủy ngân từ bóng đèn rất thấp, kể cả khi bóng đèn vỡ ra. Trong vụ cháy, môi trường nóng, nhiệt độ cao, thủy ngân sẽ bốc hơi, có nguy cơ đối với người hít phải trực tiếp hơi nóng, khí nóng trong thời gian dài.

Theo BS Nguyên, nguy cơ chính gây ra ngộ độc phụ thuộc nhiều yếu tố như nồng độ thủy ngân cao nếu cháy nhiều, khói nhiều, có trực tiếp nguồn thủy ngân, không gian khép kín, sẽ tích tụ lại. Thời gian tiếp xúc cũng rất quan trọng, càng lâu thì càng tiếp xúc nhiều. Một số yếu tố khác như: Ngược hay xuôi chiều gió?; Tuổi càng trẻ, hoạt động mạnh... thì hít thở càng nhiều hơn.

"Không thể kết luận tất cả những người ở hiện trường hay ở cạnh vụ cháy đều có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân" - BS Nguyên nói.

Ngộ độc nhiễm độc thủy ngân có nhiều dạng: hợp chất, vô cơ, nguyên tố... Mỗi dạng có biểu hiện khác nhau. Trong vụ cháy Công ty Rạng Đông, đây là thủy ngân dạng kim loại.

Thủy ngân được sử dụng trong bóng đèn. Ảnh: Zing

Thủy ngân được sử dụng trong bóng đèn. Ảnh: Zing

Sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, theo BS Nguyên, những người trực tiếp tham gia chữa cháy, hít trực tiếp khói nóng, hơi nóng trong thời gian 1 - 2 tiếng như cứu hỏa, công nhân chữa cháy, người dân tham gia chữa cháy cần đi khám.

Những người có biểu hiện bất thường, khó chịu, khó thở, ho nhiều, tức ngực, nôn mửa, đau bụng, choáng váng, tê chân tay, lú lẫn... do ảnh hưởng từ vụ cháy cũng nên đi khám.

Người dân ở xa khu vực cháy, ít hít phải hơi nóng, khói.... thì đi kiểm tra là không cần thiết, cần dựa vào các triệu chứng biểu hiện.

BS Nguyễn Trung Nguyên. Ảnh: Võ Thu

Đối với nạn nhân hít thủy ngân cần đưa ra môi trường thoáng khí. Nếu phát hiện thủy ngân dính vào mắt thì phải rửa mắt bằng nước sạch, dính lên da cần cởi bỏ quần áo dính, dùng nước để rửa sau đó đưa đến cơ sở y tế để khám.

Người dân có thể đến các bệnh viện tuyến quận, thành phố ở Hà Nội để khám, lấy máu, nước tiểu, xét nghiệm nồng độ thủy ngân. Không nên dồn tại Bệnh viện Bạch Mai để tránh quá tải.

BS Nguyên khẳng định không có cách nào thải độc thủy ngân được tại nhà. Việc này phải được các cơ sở y tế thực hiện với các loại thuốc đặc hiệu. Biểu hiện ngộ độc ở đâu sẽ điều trị tại đó trước. Ví dụ như bệnh nhân nếu có triệu chứng suy hô hấp thì phải điều trị hô hấp trước... Điều này có nghĩa là phải cấp cứu theo tình trạng điều trị triệu chứng trước.

Hậu quả của nhiễm độc thủy ngân có 2 giai đoạn: Ngộ độc cấp nếu bệnh nhân không được điều trị sẽ sang giai đoạn bán cấp và chuyển sang mãn tính. Để lâu không điều trị có thể ảnh hưởng tới thần kinh, hô hấp, nội tạng...

Tuy nhiên, vị chuyên gia hàng đầu về chống độc này khẳng định bà con không nên quá lo ngại cũng như không được chủ quan.

Theo BS Nguyên, nguy cơ nhiễm độc thủy ngân chỉ diễn ra lúc cháy to, sau khi dập rồi thì nguy cơ ít đi nhiều.

"Bà con sống gần đó, ăn từ thức ăn mua nơi khác, nước cũng dùng nước máy do công ty nước sạch cấp. Nếu bà con thấy mệt, khó chịu không giải thích được, thấy không yên tâm thì đi khám" - BS Nguyên nói.

BS Nguyên khẳng định nguy cơ cao nhất là lúc đang cháy, còn hiện tại đám cháy đã hết cần có được sự đánh giá nguồn nước, đất, không khí của các cơ quan chuyên môn.

Võ Thu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dan-lo-ngai-nhiem-doc-thuy-ngan-sau-vu-chay-cong-ty-rang-dong-ai-nen-di-kham-va-kham-o-dau-20190830151537759.htm