Đàn lợn tại các địa phương giảm 'chóng mặt', cả nước tiêu hủy 5,6 triệu con

Tính đến ngày 15/10, Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.200 xã thuộc hơn 650 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy khoảng 5,6 triệu con. Ở nhiều địa phương, tổng đàn lợn sụt giảm nghiêm trọng do sự tàn phá của dịch.

Các địa phương cần chủ động trong việc cho người chăn nuôi tái đàn khi đảm bảo đủ các yêu cầu để đáp ứng nguồn cung thịt lợn. Ảnh: Internet

Các địa phương cần chủ động trong việc cho người chăn nuôi tái đàn khi đảm bảo đủ các yêu cầu để đáp ứng nguồn cung thịt lợn. Ảnh: Internet

E ngại tái đàn

Theo thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT: Kể từ thời điểm tháng 2, khi những ổ Dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện tại Thái Bình và Hưng Yên, dịch bệnh nguy hiểm này đã tàn phá nhiều chuồng trại chăn nuôi, đẩy người chăn nuôi lợn vào cảnh khó khăn chưa từng có.

Lũy kế từ đầu tháng 2 đến ngày 15/10, Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.200 xã thuộc hơn 650 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy khoảng 5,6 triệu con, với tổng trọng lượng là 320.000 tấn. Dự báo đến hết tháng 10, số lợn tiêu hủy giảm 26% so với tháng 9, giảm 60,7% so với tháng 5.

Dịch tả lợn châu Phi đã khiến người chăn nuôi lợn vô cùng khó khăn, giá trị sản xuất chăn nuôi lợn giảm trên 9%. Tổng đàn lợn tính đến ngày 31/8 của 56 tỉnh đã báo cáo là trên 22 triệu con, giảm 16% so với thời điểm tháng 10/2018. Nếu tính số liệu của 63 tỉnh thành, dự kiến đàn lợn sẽ đạt khoảng 23 – 23,5 triệu con, trong đó đàn nái khoảng 2,8 – 2,9 triệu con.

Đáng chú ý, ở nhiều địa phương, tổng đàn lợn sụt giảm nghiêm trọng do sự tàn phá của dịch. Đơn cử như tỉnh Bắc Giang, Dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn từ tháng 3, tính đến ngày 14/10, toàn tỉnh đã có trên 39.500 hộ có lợn bị thiệt hại, tiêu hủy 272.361 con lợn (gần 25% tổng đàn). Trong khi đó, ở Đồng Nai, tính đến đầu tháng 9, tổng đàn lợn đã giảm 40% so với thời điểm tháng 4.

Phát biểu tại Hội nghị tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng nay 17/10, tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Thời gian đầu, dịch bệnh chủ yếu xảy ra ở những hộ nhỏ lẻ, nhất là ở các tỉnh phía Bắc, nơi có mật độ chăn nuôi cao.

Hiện nay, các hộ chăn nuôi đã nhận thức rõ hơn và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, nhất là áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và sử dụng các chế phẩm hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho hay: Vấn đề đáng lưu ý hiện nay là nhiều địa phương e ngại không cho người chăn nuôi tái đàn. Thậm chí, các cơ sở nằm trong vùng dịch nhưng không xảy ra dịch, đảm bảo an toàn sinh học cũng rất khó tái đàn khi chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn không đồng thuận.

"Bên cạnh đó còn có khó khăn trong việc vận chuyển con giống. Nếu không tái đàn phù hợp sẽ rất khó khăn trong việc chủ động nguồn thực phẩm cuối năm", ông Dương nhận định.

Làm sao "sống chung" với dịch?

Số lợn tiêu hủy vì Dịch tả lợn châu Phi không hề nhỏ, trong khi tâm lý e ngại tái đàn vẫn còn. Tất cả những điều này tác động trực tiếp tới nguồn cung thịt lợn, nhất là thời điểm cuối năm nay.

Ông Dương cho rằng, giải quyết bài toán nguồn cung thịt lợn, giải pháp cấp bách hiện nay là tiếp tục duy trì phát triển chăn nuôi lợn, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học; đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ để bù đắp lại nguồn thực phẩm thiếu hụt.

Các địa phương cần chủ động trong việc cho người chăn nuôi tái đàn khi đảm bảo đủ các yêu cầu (không được cấm tái đàn khi các cơ sở đủ điều kiện) theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT để chủ động nguồn cung thịt lợn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng nhận định: Việc tái đàn lợn phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; trước mắt sẽ tổ chức "Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng" để tiêu diệt mầm bệnh ở nơi có nguy cơ cao, vùng chăn nuôi trọng điểm.

Xung quanh câu chuyện "sống chung" với Dịch tả lợn châu Phi và đáp ứng nguồn cung thịt lợn thời gian tới, Đại diện Công ty Chăn nuôi CP kiến nghị: Bộ NN&PTNT nên có hướng dẫn cho việc tái đàn ở các trại an toàn và các trại đã bị dịch để việc tái đàn của các trại không bị dịch được chăn nuôi bình thường và các trại đã bị dịch qua 1 thời gian đã làm tốt việc khử trùng tiêu độc tái đàn.

Bên cạnh đó, việc dừng xe vận chuyển lợn giống và sát trùng tại các chốt kiểm dịch là nguy cơ và rủi ro rất lớn để mầm bệnh xâm nhập vào đàn lợn giống. Để giảm rủi do này, Nhà nước cần có các chốt kiểm dịch riêng cho lợn giống hoặc chấp nhận giấy cam kết của đơn vị cung cấp giống cũng như kiểm soát tuyến vận chuyển lợn giống bằng GPS; tạo điều kiện cấp phép cho những trại mới ở các tỉnh còn nhiều quỹ đất đáp ứng tốt các điều kiện chăn nuôi...

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/dan-lon-tai-cac-dia-phuong-giam-chong-mat-ca-nuoc-tieu-huy-56-trieu-con-113509.html